- Thị trường bất động sản 2019 với nhiều biến động từ “cú sốc” Cocobay Đà Nẵng, sự sụp đổ của địa ốc Alibaba đến việc thu hồi sổ đỏ ở loạt dự án chung cư…
Siêu dự án Cocobay Đà Nẵng vỡ trận, “sóng” dữ condotel
Năm 2019, thị trường căn hộ khách sạn (condotel) liên tiếp nhận nhiều “cú sốc”. Giữa năm 2019, việc chính quyền TP Đà Nẵng đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài, đã cấp cho một dự án bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng của Công ty 586. Dự án phát triển trên đất có mục đích sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ, trong đó có căn hộ condotel. Trước đó UBND TP. Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel lâu dài trên đất ở không hình thành đơn vị ở. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã kết luận việc cấp sổ đỏ cho các dự án condotel là trái quy định pháp luật, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Do đó, TP. Đà Nẵng đã đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài và cấp lại sổ đỏ với thời hạn 39 năm cho dự án này do dự án đã đưa vào sử dụng 11 năm, tính từ năm 2008.
Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận, nhiều đại gia Việt thấm đòn đau. |
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, một số địa phương trước đây đã cấp sổ đỏ có thời hạn sử dụng lâu dài, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư phát triển mô hình condotel, biệt thự biển. Tuy nhiên, việc cấp sổ này đã vi phạm quy định của Luật Đất đai.
Ông Trần Minh Hoàng – Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Khu vực phía Nam cho rằng, sự kiện TP Đà Nẵng đưa ra phương án thu hồi sổ đỏ có thời hạn lâu dài ít nhiều có tác động đến thị trường condotel và BĐS nghỉ dưỡng. Nó khiến phân khúc này bớt sôi động hơn do nhiều doanh nghiệp ngâm hàng chờ chính quyền thay đổi cơ chế pháp lý.
Không dừng lại ở đó, Cuối tháng 11, Tập đoàn Empire, chủ đầu tư dự án condotel Cocobay tại Đà Nẵng thông báo đến khách hàng không thể trả mức lợi nhuận 12% theo như hợp đồng đã cam kết. Theo lý do của chủ đầu tư đưa ra, việc kinh doanh condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn, khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc, làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án. Thông báo này khiến cho khách hàng không chỉ tại dự án Cocobay Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa mà còn đánh động hàng nghìn nhà đầu tư condotel.
Năm 2020 được dự đoán sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn với condotel khi nhà đầu tư đang mất niềm tin sau sự cố Cocobay. |
Trên thực tế, từ cách đây khoảng 3 năm khi loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel ồ ạt ra đời nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về rủi ro khi lợi nhuận cam kết lên đến 10-12%. Việc "vỡ trận" cam kết lợi nhuận là cái kết nhiều người đã đưa ra ngay từ khi cuộc đua cam kết này bắt đầu bởi cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.
Tuy nhiên, những sóng gió của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có lẽ chưa dừng lại. Báo cáo của kênh thông tin Batdongsan.com.vn dự báo xu hướng của thị trường condotel trong 12 tháng tới với bức tranh màu xám. Đơn vị này cho rằng năm 2020 sẽ là một giai đoạn đầy khó khăn với condotel khi nhà đầu tư đang mất niềm tin sau sự cố Cocobay.
Địa ốc Alibaba sụp đổ, ám ảnh dự án “ma”
Thị trường bất động sản năm 2019 được đánh giá là một năm với nhiều gam màu xám, trong đó, nổi cộm là tình trạng phân lô bán nền, lập dự án "ma" trên đất nông nghiệp. Trong đó, một trong những sự kiện đáng chú ý là sự sụp đổ của Công ty CP Địa ốc Alibaba (Địa ốc Alibaba).
Công an TP.HCM đã công bố 43 dự án “ma” của Địa ốc Alibaba ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai… Theo kết quả điều tra ban đầu, Công ty Alibaba đã thu được hơn 2.500 tỷ đồng từ việc ký kết hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng.
Ngày 18/9/2019, Bộ Công an đã phối hợp cùng Công an TP.HCM khám xét trụ sở Địa ốc Alibaba, sau đó khởi tố bị can, bắt giam ông Nguyễn Thái Luyện (CEO kiêm Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba) cùng em trai Nguyễn Thái Lĩnh (TGĐ Địa ốc Alibaba) để điều tra hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hàng ngàn khách hàng "sập bẫy" của Công ty CP Địa ốc Alibaba. |
Ngay sau “cú lừa” của Alibaba, một loạt công ty kinh doanh đất nền khác tiếp tục được phanh phui. Đầu tháng 11, cơ quan công an đã quyết định khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Phạm Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Angel Lina, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công ty này tự xưng là chủ đầu tư của hàng loạt dự án ma tại các khu đất công cộng, khu quy hoạch ở quận Thủ Đức, quận 9, quận 12, Bình Tân… rồi quảng cáo, mời gọi người mua góp vốn đầu tư. Sau khi thu tiền, Công ty Angel Lina đã không thực hiện đúng cam kết. Người mua không được giao đất cũng không thể lấy lại khoản tiền đã đóng.
Một doanh nghiệp chuyên vẽ dự án "ma" khác bị điều tra là Công ty TNHH tư vấn đầu tư BĐS Hoàng Kim Land (Hoàng Kim Land). Giám đốc công ty này là bà Trần Thị Hồng Hạnh, người đã ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng đất nền tại bảy dự án không có thật, không được cấp phép đầu tư ở vùng ven TP.HCM với hàng trăm khách hàng, hòng chiếm đoạt gần 300 tỉ đồng. Cuối tháng 11/2019, Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Hạnh.
Mới đây, nhiều khách hàng ký hợp đồng thoả thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với Công ty King Home Land tại các dự án "ma" ở quận 9, quận 12, TP.HCM và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đồng loạt gửi đơn tố cáo đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Các khách hàng cho biết đã thanh toán tiền cho Công ty King Home Land nhưng công ty này lại không giao đất, thậm chí công ty có dấu hiệu né tránh khi tháo gỡ bảng hiệu, ngừng hoạt động.
Hàng loạt dự án chung cư Mường Thanh bị thu hồi sổ đỏ
Vào khoảng tháng 7/2019, người dân tại Dự án đầu tư xây dựng Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (CT6 Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes làm chủ đầu tư bất ngờ trước việc việc Sở TN&MT Hà Nội có quyết định thu hồi và huỷ giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) mà sở này đã cấp cho căn hộ trước đó.
Tuy nhiên, không chỉ ở dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) cũng đã ban hành quyết định thu hồi và huỷ sổ đỏ đã cấp tại 14 toà nhà trên địa bàn huyện Thanh Trì và quận Hà Đông vì liên quan đến việc nâng tầng và chuyển đổi công năng.
Nêu tại quyết định về việc thu hồi và huỷ sổ đỏ của Sở TN&MT Hà Nội, Sở này nêu rõ lý do thu hồi và huỷ: Trong quá trình Sở TN&MT thẩm định hồ sơ và cấp sổ đỏ có sai sót, không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Nhiều người dân tại các chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Trì bất ngờ bị thu hồi và huỷ sổ đỏ do chủ đầu tư vi phạm xây dựng. |
Tại Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông), thu hồi và hủy “sổ đỏ” tại các tầng tự ý chuyển đổi công năng (tầng 2, 3, 4) và tầng 32 vượt tầng, phần cầu nối là lối đi của tòa CT6A, CT6B. Riêng tòa CT6C chưa cấp “sổ đỏ” cho trường hợp nào vì xây trái phép.
Tại dự án khu nhà ở Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông), quyết định thu hồi và hủy “sổ đỏ” đã cấp cho gần 300 căn hộ thuộc một số tầng của các cụm toà nhà CT1, CT2, CT4 và CT3, toà trung tâm thương mại. Lý do thu hồi do các tầng nhà này thuộc diện “chuyển đổi công năng và nâng tầng”…
Sau khi báo chí phản ánh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc Sở TN&MT dừng việc thu hồi giấy chứng nhận và làm việc với Bộ TN&MT để xin hướng dẫn.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ TN&MT, Sở đã dừng việc thu hồi giấy chứng nhận và thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, rà soát các dự án nhà, phát triển nhà chưa được cấp giấy chứng nhận.
Về việc xử lý tiếp theo, ông Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở kết luận của cơ quan điều tra, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy thì UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý trách nhiệm chủ đầu tư, các đơn vị có liên quan, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Không chỉ cư dân tại các chung cư có quyết định thu hồi và huỷ sổ đỏ lo lắng, tại các khu chung cư chưa được cấp sổ người dân cũng đứng ngồi không yên.
Như tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đầu tháng 10 vừa qua, cư dân các tòa nhà HH1A; HH1B;HH1C đã treo băng rôn yêu cầu Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) trả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân. Đây là tổ hợp công trình có nhiều vi phạm về xây dựng. Được biết, dự án Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở HH Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) chỉ được phép xây dựng 27 tầng. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây dựng từ 36-41 tầng vượt nhiều tầng so với quy hoạch được phê duyệt. Theo phản ánh, người dân đã về ở tại dự án gần 5 năm nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao sổ đỏ cho cư dân.
Trước đó, cư dân tòa nhà VP6 Linh Đàm (cũng do Công ty Tập đoàn Mường Thanh xây dựng) đã treo băng rôn để đòi sổ đỏ.
Từ việc thu hồi đỏ ở các chung cư Hà Nội đã bộc lộ các vấn đề nội tại trong cấp phép, quản lý, giám sát các dự án chung cư. Các vi phạm tại các dự án chung cư vẫn đang hiện hữu như “con voi vẫn chui lọt lỗ kim”.
Tạm dừng quy hoạch Phú Quốc, Bắc Vân Phong thành đặc khu
Vào đầu tháng 8, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.
Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.
Đến giữa tháng 8, Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với ý kiến đề nghị tạm dừng quy hoạch “đặc khu” của UBND tỉnh Kiên Giang… vì lập quy hoạch tại thời điểm này chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau Phú Quốc, Khánh Hòa xin dừng quy hoạch Bắc Vân Phong thành đặc khu. |
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lập mới Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc theo ý kiến đồng ý về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 739/TTg-CN ngày 8/6/2018, quy hoạch đảo Phú Quốc, theo định hướng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nhằm định hướng phát triển không gian đảo Phú Quốc trong giai đoạn tới, tạo tiền đề cho Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Sau Phú Quốc, vào cuối tháng 12, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét dừng chủ trương lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.
Hồng Khanh
Dốc tiền tỷ ôm condotel, đại gia Hà thành chết đắng bên bờ biển
- So với năm 2018, condotel (căn hộ nghỉ dưỡng) trên cả nước hiện đã giảm giá 8%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét