Bộ Xây dựng khẳng định tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến việc môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường nói chung, quản lý hoạt động môi giới bất động sản nói riêng.
Đôn đốc “siết” hoạt động môi giới bất động sản
Mới đây, cử tri tỉnh Long An đã gửi kiến nghị cho Bộ Xây dựng trong đó đặt vấn đề: Hiện nay, “cò đất” hoạt động công khai dù chưa được pháp luật công nhận và điều chỉnh. Cử tri đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động môi giới bất động sản nói chung và người môi giới nói riêng.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết pháp luật về kinh doanh bất động sản hiện hành đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh và đầy đủ để điều chỉnh, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ bất động sản, trong đó có dịch vụ môi giới bất động sản.
Văn bản giả mạo xuất hiện trên mạng xã hội nhằm đẩy giá đất Hội An. |
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận trong thời gian qua, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đất“ như cử tri đã đề cập; đây là hoạt động không theo quy định pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp.
“Các cơ quan chức năng của địa phương cũng chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới” – Bộ Xây dựng đánh giá.
Để khắc phục vấn đề nêu trên, các địa phương cần tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đốn đốc các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới bất động sản nói riêng để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.
Đồng thời, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động môi giới bất động sản để có các đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thị trường bất động sản nói chung và quản lý hoạt động môi giới bất động sản nói riêng.
"Cao thủ" giả chữ ký chủ tịch tỉnh để thổi giá đất
Đây là thực tế xảy ra trong thời gian qua nhằm đẩy giá đất Hội An lên cao, kẻ xấu đã giả mạo văn bản và chữ ký của chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đó, trên mạng xã hội xuất hiện Quyết định số 1826/2017/QĐ-CP ngày 3/1/2018. Quyết định có nội dung về việc phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn 5 sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại phường Cẩm Nam (phố cổ Hội An).
Quyết định này có dấu mộc, tên cùng hình ảnh chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ông Đinh Văn Thu. Quyết định gửi đến Sở KH-ĐT, Sở Xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Nam và UBND TP Hội An.
Theo Bộ Xây dựng, các cơ quan chức năng của địa phương chưa có các giải pháp kịp thời để quản lý chặt chẽ các hoạt động môi giới. |
Tuy nhiên, đại diện văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, chữ ký trong văn bản không phải là của ông Đinh Văn Thu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, mẫu văn bản cũng được làm một cách rất sơ sài, không đúng mẫu. Bên cạnh đó, số hiệu văn bản cũng không nằm trong hệ thống quản lý điều hành văn bản hành chính của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh Quảng Nam không phát hành văn bản nào về nội dung liên quan như thế này.
Lãnh đạo UBND TP Hội An cũng khẳng định, văn bản lan truyền trên mạng là giả mạo 100% và sai hoàn toàn sự thật.
Đây cũng chỉ là một trong những chiêu trò để thổi giá bất động sản. Ghi nhận thực tế, thời gian qua, thị trường cũng chứng kiến nhiều khu vực bị thổi giá tăng dựng đứng. Những cơn sốt không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM mà còn lan ra các tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)… khiến nhiều nhà đầu tư lao vào cuộc buôn đất, đẩy giá đất ở các khu vực này tăng 20 - 30%. Cá biệt, có nơi giá đất tăng tới 50 - 60%.
Chiêu thức được các môi giới không chuyên và "cò đất" thường hay sử dụng là mua gom đất tại khu vực chưa có quy hoạch chi tiết, sau đó sang tay nhau trong nhóm, hoặc sang tay cho khách hàng nào chưa nắm được thông tin với giá rất cao so với lúc mua để tạo mặt bằng giá mới. Để lôi kéo được các nhà đầu tư khác, nhóm môi giới này tung ra thị trường những thông tin thổi phồng về quy hoạch, hạ tầng…
Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lực lượng tham gia hành nghề môi giới BĐS của Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người, trong đó chỉ 27.000 người có chứng chỉ hành nghề theo luật cũ; 8.000 người đã có chứng chỉ hành nghề theo luật mới. Số còn lại khoảng 265.000 chưa có chứng chỉ hành nghề.
Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, hiện nay mức xử phạt đối với các hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc cung cấp không chính xác hồ sơ, thông tin về bất động sản mà mình môi giới còn khá nhẹ, chỉ từ 10 triệu đến 50 triệu đồng.
Giá trị một thương vụ môi giới bất động sản tầm 5 - 10 tỷ đồng, nếu so với chế tài xử phạt được quy định tại Nghị định 139 là 10 - 50 triệu đồng rõ ràng chưa bảo đảm tính răn đe.
Hơn nữa, chưa có một trường hợp môi giới nào bị xử lý về vi phạm đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và khó có thể xác định chính xác ai là người tung tin, thổi giá, đẩy giá. Chuyên gia cũng cho rằng, cái gốc để giải quyết vấn đề này là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nếu quản lý tốt, công khai, minh bạch quy hoạch... thì thị trường bất động sản mới hy vọng phát triển ổn định nếu chỉ dừng lại ở việc “đôn đốc” thì thời gian tới vẫn có thể tiếp diễn tình trạng này.
Hồng Khanh
Đất nền lao dốc, phân lô bán nền bát nháo lĩnh phạt nặng
- Từ ngày 5/1/2020, việc tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở; Phân lô, bán nền sai; Lấn, chiếm đất… là những vi phạm sẽ bị phạt nặng lên đến 1 tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét