- Ngoài xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý Quy hoạch – Tài nguyên – Xây dựng dùng chung cho toàn thành phố, Sở Xây dựng còn phải triển khai gắn mã “QR code” trên giấy phép xây dựng để người dân tham gia giám sát.
UBND TP.HCM vừa có chỉ đạo khẩn đến các sở ngành và chủ tịch UBND các quận huyện trên địa bàn về việc tiếp tục triển khai Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành uỷ và kế hoạch của UBND Thành phố về các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Theo đó, các sở ngành và UBND các quận, huyện phải thực hiện nghiêm quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của lực lượng công an khu vực trong công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Đối với những hạn chế của Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 5/12/2017 của UBND Thành phố quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, UBND Thành phố giao Sở TN&MT tham mưu quyết định thay thế.
Nhằm rút ngắn thời gian và tạo điều kiện cho người dân thực hiện thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất, UBND Thành phố giao Sở TN&MT hoàn thiện quy trình.
Loạt công trình xây dựng sai phép tại phường Thảo Điền, quận 2. |
Sở Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất kế hoạch xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý Quy hoạch – Tài nguyên – Xây dựng dùng chung cho toàn thành phố. Đồng thời, khẩn trương xây dựng bản đồ hệ thống số hoá tích hợp về các công trình, dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, để công khai cho người dân biết.
Để người dân chủ động cùng chính quyền thành phố kiểm soát và thực hiện các quy định về xây dựng, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương thực hiện việc gắn mã “QR code” vào giấy phép xây dựng phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin cấp giấy phép xây dựng.
Về việc phát sinh nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, một trong những nguyên nhân từng được lãnh đạo Sở Xây dựng nêu ra đó là số cán bộ phụ trách quản lý xây dựng địa bàn chưa đáp ứng đủ.
Nhằm giải quyết tình trạng này, UBND Thành phố giao Sở Tài chính tham mưu, vận dụng Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để tăng mức phụ cấp thực hưởng kèm theo các hỗ trợ khác cho lực lượng cộng tác viên của đội ngũ quản lý trật tự xây dựng ở địa phương.
Với những công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, trên cơ sở hợp đồng cung cấp điện, nước, các đơn vị cung cấp phải phối hợp cùng các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện triển khai ngưng cung cấp dịch vụ. Việc ngưng cung cấp điện, nước với công trình vi phạm trật tự xây dựng là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm trong trường hợp điện, nước là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có quy mô lớn, nghiêm trọng, UBND các quận, huyện cần phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện rà soát, cưỡng chế. Áp dụng các giải pháp “không điện, không nước, không cấp giấy, không hoạt động” đối với các công trình vi phạm xây dựng.
Bị xử lý vi phạm xây dựng, chủ đầu tư vẫn cố tình xây thêm, không dừng thi công
- Sau hơn nửa năm thực hiện Chỉ thị 23, số vụ vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM đã giảm, tuy vậy có trường hợp chủ đầu tư bị xử lý vi phạm vẫn cố tình xây thêm, không dừng thi công.
Phương Anh Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét