Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Sự vắng mặt của vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt và nỗi lòng cổ đông CapitalHouse

Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương Mại Thủ Đô (CapitalHouse) vừa diễn ra sáng 29/4. 

Một lần nữa, nhân vật đang chi phối toàn diện doanh nghiệp địa ốc này – “đại gia” Đỗ Đức Đạt - lại vắng mặt. Cũng giống như năm ngoái.

Có chăng khác hơn, là năm nay thêm cả vợ ông - bà Đỗ Thị Thùy Chi - cũng vắng; Bất chấp vai trò vừa là cổ đông lớn, vừa là Thành viên HĐQT CapitalHouse.

Tuy vậy, đại hội vẫn “thành công tốt đẹp” với lá phiếu biểu quyết đồng ý cho mọi nội dung xin ý kiến cổ đông từ người được ủy quyền của nhóm ông Đạt. Vẫn như mọi năm.

Ai cũng hiểu, dù có lùi về phía sau - rút khỏi HĐQT và Ban Tổng Giám đốc, thì CapitalHouse vẫn trong tầm kiểm soát của vị doanh nhân sinh năm 1971.

Vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt chi phối 95% vốn của CapitalHouse. (Ảnh: CHG)

Tính đến thời điểm đại hội, vợ chồng ông Đạt trực tiếp đứng tên hơn 36 triệu cổ phần, tương ứng với 30% vốn điều lệ CapitalHouse. Họ còn gián tiếp sở hữu 78 triệu cổ phần khác, tương ứng với 65% vốn điều lệ nữa của CapitalHouse, thông qua phần sở hữu đứng tên Công ty cổ phần Tập đoàn CHG (viết tắt: CHG).

Tập đoàn CHG (mới đổi tên thành CTCP Tập đoàn EFC) là công ty do vợ chồng ông Đạt và một người quen, là bà Đỗ Thị Thúy (SN 1989) sáng lập nên vào cuối năm 2016. Vợ chồng ông Đạt giữ quyền chi phối toàn diện công ty, với 90% cổ phần trực tiếp đứng tên.

Sự hình thành của CHG gắn liền với tiến trình tăng vốn của CapitalHouse, và ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, CHG được ông Đạt lập ra cho sứ mệnh thâu tóm CapitalHouse. Liên tiếp 2 năm – 2016 và 2017 – CHG (khi ấy vẫn tên là Công ty cổ phần Đầu tư Capital House) được CapitalHouse phát hành riêng lẻ tổng cộng 78 triệu cổ phiếu, để từ một công ty “sơ sinh” trở thành cổ đông chi phối CapitalHouse.

Thương vụ giúp CapitalHouse tăng vốn lên gấp ba lần, gia nhập nhóm nghìn tỷ; Song song với đó, giúp vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt “nắm chặt” thêm CapitalHouse. Nhưng nó đã pha loãng sở hữu của các cổ đông hiện hữu còn lại ở CapitalHouse, trong đó có nhiều người là cổ đông lâu năm, đã đồng cam, gắn bó với công ty từ ngày đầu gian khó.

Hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng vốn như bất động sản, sẽ là không có gì đáng bàn nếu việc tăng vốn của CapitalHouse là chính đáng, minh bạch, thực chất, đảm bảo lợi ích hài hòa cho toàn thể cổ đông.

Nhưng vấn đề là CapitalHouse càng lớn thì miếng bánh của nhiều cổ đông lại càng bé lại.

“Chôn vốn” ở CapitalHouse

Theo chia sẻ của một số cổ đông, họ không hề được thụ hưởng các lợi ích đáng có từ hoạt động tăng vốn của CapitalHouse. Bất chấp tỷ lệ sở hữu của họ ở công ty cứ loãng dần.

“Hơn chục năm qua công ty chỉ có 2 lần chia cổ tức. Một lần bằng cổ phiếu. Lần gần nhất – năm ngoái – chia bằng tiền. Nhưng tỷ lệ rất thấp, chỉ bằng 0,8% vốn góp. Đem vốn góp ấy gửi ngân hàng cũng phải có lợi tức gấp cả chục lần”, một cổ đông chia sẻ.

Sự vắng mặt của vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt và nỗi lòng cổ đông CapitalHouse - ảnh 2

ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của CapitalHouse sáng 29/4/2020.

Cổ đông Nguyễn Huy Anh – tuy tham gia Chủ tọa đoàn điều hành đại hội - vẫn phải bày tỏ mối băn khoăn với tình hình cổ tức của CapitalHouse: “Năm ngoái phải đấu tranh mãi công ty mới trích 10 tỷ đồng lợi nhuận để chia cổ tức (chia cho 120 triệu cổ phần, ứng với 1.200 tỷ đồng vốn góp - PV)”. Ông nói nửa đùa: “Đem tiền nhà đi đầu tư mà chả có gì mang về, biết giải thích thế nào với vợ”.

Là Phó Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của CapitalHouse và từng nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT CapitalHouse nhưng ông Nguyễn Huy Anh – trong tư cách của một cổ đông – vẫn tỏ ra khó hiểu về kế hoạch chi trả lợi nhuận mà HĐQT công ty này dự kiến cho năm 2020: Năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 21 tỷ đồng, bảo thấp không chia. Thế năm 2020, dự kiến lợi nhuận tới 234 tỷ đồng, công ty vẫn đưa tờ trình là không chia cổ tức (?!).

Tình thế của nhiều cổ đông trở nên lưỡng nan khi CapitalHouse đã cơ bản như một doanh nghiệp gia đình. Với quyền biểu quyết 95% cổ phần – cả trực tiếp và gián tiếp – vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt sẽ quyết đáp mọi chủ trương, quyết sách sách của công ty, bất chấp lá phiếu của các cổ đông còn lại.

Việc CapitalHouse hiện thời chỉ có tất cả 16 cổ đông, là một doanh nghiệp chưa đại chúng và chưa hề có kế hoạch niêm yết càng đẩy các cổ đông nhỏ lẻ (thực chất họ từng là những cổ đông lớn, những người đã tin tưởng, bỏ vốn, đồng cam với ông Đỗ Đức Đạt gây dựng CapitalHouse từ những ngày đầu tiên) vào thế kẹt, khi rất khó tìm được người mua lại cổ phần CapitalHouse với mức giá hợp lý.

Nói cách khác, họ đang “chôn vốn” ở CapitalHouse.

Sự vắng mặt của vợ chồng ông Đỗ Đức Đạt và nỗi lòng cổ đông CapitalHouse - ảnh 3

Nhiều cổ đông đang "chôn vốn" ở CapitalHouse.

Cùng là cổ đông của CapitalHouse, về lý, như các cổ đông khác, nhóm ông Đỗ Đức Đạt cũng chưa thể có lợi ích đáng kể từ CapitalHouse. Nhưng nhóm này không hề sốt ruột, lại luôn là bên đề ra và quyết chủ trương không chia/hạn chế chia cổ tức.

Họ cũng luôn là nhóm thiết kế ra các kế hoạch tăng vốn cho công ty, và trong các lần tăng vốn về sau, họ luôn là nhà đầu tư góp hầu hết cổ phần phát hành thêm. Tức là tuy CapitalHouse chưa “đẻ” ra tiền (là nói trên sổ sách) thì vợ chồng ông Đạt vẫn rất sẵn tiền hoặc rất biết thu xếp nguồn.

Tại phiên ĐHĐCĐ mới diễn ra, một cổ đông đã đề nghị triệu tập Ban Quản trị, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng của CapitalHouse các thời kỳ để làm rõ về đường đi của dòng tiền công ty suốt nhiều năm, cũng như tính thực chất của các lần tăng vốn.

Mối hoài nghi nêu trên của các cổ đông cũng không hẳn là không có căn cứ nếu xem xét cả chiều dài phát triển của CapitalHouse, những dự án bất động sản mà công ty này đã thực hiện xong xuôi, dấu ấn của các công chức/cựu công chức với doanh nghiệp này, cũng như tỷ suất sinh lời (trên sổ sách) thấp đến mức phi lý của CapitalHouse so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Theo Viettimes

Doanh nghiệp BĐS đồng loạt hoãn Đại hội đồng cổ đông vì dịch Covid-19

Doanh nghiệp BĐS đồng loạt hoãn Đại hội đồng cổ đông vì dịch Covid-19

 - Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản đã đồng loạt xin hoãn Đại hội đồng cổ đông, báo cáo tài chính.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét