Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) các khách hàng mua căn hộ chung cư condotel (không hình thành đơn vị ở) không phải là người tiêu dùng và không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Khách hàng mua căn hộ condotel không phải người tiêu dùng
Đây là nội dung được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) đưa ra tại thông báo về việc khuyến cáo chủ đầu tư và khách hàng để đảm bảo việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nêu tại thông báo này, Cục CT&BVNTD cho biết, thời gian vừa qua cơ quan này nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo của khách hàng mua căn hộ chung cư condotel (không hình thành đơn vị ở).
Đà Nẵng cho phép chuyển đổi căn hộ khách sạn (condotel- không hình thành đơn vị ở) thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở) tại dự án Cocobay. |
Theo phản ánh của khách hàng và các hợp đồng được cung cấp cho Cục, mục đích của việc ký kết hợp đồng mua bán căn hộ là đưa căn hộ tham gia vào chương trình cho thuê nhằm mục đích sinh lời thông qua việc ký hợp đồng hợp tác cho thuê căn hộ với bên bán, không phải nhằm mục đích sinh hoạt, tiêu dùng.
“Các khách hàng mua căn hộ trong trường hợp này không phải là người tiêu dùng và không thuộc đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tranh chấp phát sinh từ giao dịch này được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự” - CT&BVNTD cho hay.
Tuy nhiên, đối với những chủ đầu tư có ý định chuyển đổi mục đích sử dụng từ căn hộ condotel sang căn hộ chung cư thông thường (nhằm mục đích ở, hình thành đơn vị ở), để đảm bảo việc chấp hành quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo chủ đầu tư chỉ được giao kết hợp đồng mua bán nhà chung cư với khách hàng khi đã hoàn thành nghĩa vụ đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về nhà chung cư (bao gồm cả hồ sơ pháp lý) cho khách hàng trước khi giao kết hợp đồng.
Ngoài ra, chủ đầu tư không được quyền áp đặt, ép buộc khách hàng mua bán căn hộ chung cư khi chưa đạt được thỏa thuận, thống nhất với khách hàng. Việc mua bán phải thực hiện trên cơ sở thương lượng, thiện chí của hai bên....
Hàng nghìn căn condotel theo Cocobay xin thành chung cư để ở
Liên quan đến việc chuyển đổi các căn condotel thành căn hộ chung cư, đầu năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (tên thương mai là Tổ hợp Du lịch & Giải trí Cocobay) tại phân khu quy hoạch số 1, phía Tây đường Trường Sa, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng.
Theo đó, cho phép chuyển đổi 50% công trình căn hộ khách sạn (condotel- không hình thành đơn vị ở) đang xây dựng tại cụm HH2, HH3, HH5 thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở). Với các công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại các cụm HH4, HH6, HH7 được chuyển đổi thành căn hộ chung cư, biệt thự, biệt thự song lập, nhà chia lô liền kề. Riêng công trình cao tầng tại cụm HH1 giảm chiều cao từ 50 tầng xuống 40 tầng, chuyển đổi 50% căn hộ chung cư…
Nhiều địa phương đưa ra khái niệm đất ở (không hình thành đơn vị ở) vượt quá khuôn khổ pháp luật không có quy định. |
Tại Diễn đàn Bất động sản Việt Nam thường niên lần 2 năm 2019 tổ chức cuối năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho hay: “Bộ cũng đang tiếp nhận rất nhiều dự án đề nghị điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thậm chí điều chỉnh từ condotel sang nhà ở rất lớn lên tới hàng chục nghìn căn”.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề điều chỉnh chuyển đổi này, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch là pháp luật cho phép nhưng điều chỉnh quy hoạch phải nhằm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương, phù hợp với mục tiêu tổng thể quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị của cả khu vực chứ không riêng cụ thể ở một địa điểm.
“Việc điều chỉnh từ condotel sang chung cư nhà ở không chỉ là điều chỉnh cơ cấu sản phẩm mà còn liên quan đến cả việc điều chỉnh quy hoạch đất. Bởi ở đây là điều chỉnh từ đất phi nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ (bao gồm đất du lịch) sang đất ở. Nếu không đánh giá, cân nhắc tổng thể công tác điều chỉnh quy hoạch lại là có dáng dấp theo nhu cầu của chủ đầu tư” – ông Châu nói.
Theo Chủ tịch HoREA, ví dụ trước đó quy hoạch là khu du lịch bây giờ điều chỉnh quy hoạch cho một khu chung cư ở sát cạnh khu condotel là hoàn toàn không phù hợp.
Vị Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM còn thẳng thắn cho rằng, dường như ở đây có xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với lợi ích cộng đồng, xã hội.
Ông cũng đặc biệt lưu ý việc điều chỉnh từ condotel sang chung cư nhà ở bởi các dự án condotel đều chủ yếu nằm ở vị trí ven biển.
“Việc lập quy hoạch xây dựng có trình tự thủ tục thủ tục, cơ quan phê duyệt rất chặt chẽ nhưng việc chuyển đổi điều chỉnh quy hoạch nhiều khi lại chỉ ở một số ngành, địa phương là có thể điều chỉnh được nên đây là bất cập. Điều chỉnh quy hoạch dự án, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng phải có lý do chứ không phải điều chỉnh theo lợi ích của chủ đầu tư. Chủ đầu tư có quyền đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhưng cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nếu chưa đủ thông tin nếu sự điều chỉnh lớn làm thay đổi cục diện điều chỉnh quy hoạch thì rõ ràng phải mời các chuyên gia để phản biện” – ông Châu đặt vấn đề.
Sáng tác condotel “đất ở không hình thành đơn vị ở” vượt khuôn khổ pháp luật Theo bà Phạm Thị Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai (Bộ TN&MT) tại không ít địa phương hiện nay khi đưa ra khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở” vượt quá khuôn khổ của pháp luật. “Một số địa phương đưa ra khái niệm đất ở (không hình thành đơn vị ở) vượt quá khuôn khổ pháp luật không có quy định. Nếu đã là đất ở thì quy hoạch sử dụng đất, giao đất làm quy hoạch phải là đất ở, phải dựa vào quy mô dân số, điều kiện cho dân số pháp triển với hạ tầng, trường học, bệnh viện…Việc đưa ra hình thức đất ở không hình thành đơn vị ở pháp luât chưa có quy định dẫn đến thông tin đầu vào chưa chuẩn xác, dẫn đến sự mù mờ giữa các nhà đầu tư thứ cấp, sơ cấp và khách hàng” – bà Thịnh nói. Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông cũng khẳng định luật không có quy định nào là đất ở không hình thành đơn vị ở cả. Cũng theo vị luật sư này, condotel là căn hộ du lịch nên về bản chất dù có sổ đỏ hay không có sổ đỏ bản chất không thay đổi người ta không vào đó ở được vẫn là kinh doanh. Được biết, từ 2016 đến khoảng giữa năm 2018, có đến 50 vị trí đất được tỉnh Khánh Hòa “bật đèn xanh” cấp đất ở không hình thành đơn vị ở, trong đó chủ yếu là các dự án khu du lịch, khu biệt thự, khu khách sạn... Đáng chú ý, đất đảo cũng được tỉnh Khánh Hòa “bật đèn xanh” cấp đất ở không hình thành đơn vị ở. Tại khu vực Bãi Dài (thuộc Bắc bán đảo Cam Ranh, TP.Cam Ranh và huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), nơi được phê duyệt khu du lịch trọng điểm quốc gia, hàng loạt dự án cũng được cấp đất ở không hình thành đơn vị ở. Nhiều dự án đã được chủ đầu tư thi công, bán hàng với hàng nghìn hợp đồng mua bán, góp vốn với khách hàng dưới dạng các sản phẩm nghỉ dưỡng, căn hộ condotel. |
Thuận Phong
Sụt hố gánh nợ, nhà đầu tư bạc mặt ôm căn hộ ‘view biển triệu đô’
Sau cú sốc “vỡ trận” tại dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo dừng trả thu nhập cam kết, khách hàng tại dự án đã gửi đơn khắp nơi kêu cứu bởi ngoài việc không được trả lãi cam kết, nhiều người còn gánh thêm khoản lãi vay ngân hàng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét