Sau thời gian giá đất hiện nay cơn sốt đã hạ nhiệt. Cơ quan chức năng cho rằng sốt đất là bài học về quản lý bất động sản, làm chưa thấu đáo nên một số môi giới lợi dụng làm nóng thị trường.
Sốt đất hạ nhiệt
Tại buổi họp báo thường kỳ quý I/2021 do Bộ TN&MT tổ chức mới đây, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, liên quan đến tình hình sốt đất được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu lãnh đạo Bộ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, trong đó yêu cầu các địa phương phải công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất. Sau khi các địa phương công khai thông tin, tình trạng sốt đất đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cũng theo ông Phấn, hiện nay, Tổng cục đã tiếp nhận báo cáo của một số địa phương, Bộ TN&MT đang chờ các địa phương khác gửi báo cáo để tổng hợp phân tích các nguyên nhân, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.
Sau thời gian tăng giá nóng, cơn sốt đất lan rộng trên cả nước đã có dấu hiệu hạ nhiệt |
Tại Hội nghị kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo điều hành quý I; triển khai thực hiện công tác quý II/2021 của Bộ Xây dựng vừa qua, nhìn nhận về thị trường bất động sản những tháng đầu năm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng đánh giá thị trường có những biến động cục bộ. Tuy nhiên đến nay đã dần ổn định trở lại nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan tham mưu và chính quyền các địa phương.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tượng tụ tập theo đám đông, nườm nượp đoàn người đến rồi đua nhau mua bán đất tại nhiều địa phương đã giảm rõ rệt. Giá đất có dấu hiệu đi ngang. Như tại Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ trong quý I giá đất tăng 5-10% thậm chí có nơi tăng 20% thì nay đều có xu hướng đi ngang.
Giá đất nền ven Hà Nội và một số địa phương lân cận cũng không tăng mà đang chững lại. Anh Minh H. (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết, hồi năm 2020 đã đầu tư một số lô đất nền tại các dự án gần Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam). Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, có khách trả chênh mỗi lô từ 600 triệu - 1 tỷ đồng. Thấy quá hời nhưng anh chỉ bán đi 1 lô vì vẫn kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Thời gian này, đất ở đây cũng có dấu hiệu hạ nhiệt. Hiện anh H. đang rao bán với giá chênh 200-500 triệu so với sau Tết nhưng vẫn chưa thể thoát hàng.
Anh Ánh, một môi giới cho biết, số lượng cuộc gọi, tin nhắn đưa đi xem đất trong 3 tuần nay giảm rõ rệt thậm chí nhiều người còn bỏ, rút tiền cọc, không giao dịch.
Theo anh Nguyễn Văn T. một nhà đầu tư tại Hà Nội, hiện không dễ để tìm người mua lại bất động sản khi cơn sốt đất đã dần lắng xuống. Đây cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư đánh giá lại toàn diện khả năng tài chính, dòng tiền của mình để quyết định có tiếp tục nắm giữ tài sản hay không.
“Với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đầu tư bằng vốn tự có họ sẽ cân nhắc không có chuyện bán cắt lỗ, giảm giá mạnh ngay sau thời gian này. Tuy nhiên trong trường hợp sử dụng đòn bẩy tài chính nhưng lại đang bị "chôn" vốn tại các dự án, có thể nhà đầu tư sẽ cân nhắc về khả năng bán cắt lỗ” – anh T đánh giá.
Quản lý thị trường bất động sản chưa thấu đáo
Nhận định về diễn biến thị trường bất động sản trong quý II/2021, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng đất nền vẫn sẽ là sản phẩm được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sau thời gian nóng sốt, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh.
Dự báo trong quý II, các nhà đầu cơ sẽ rời khỏi thị trường, lực cầu đầu tư sẽ giảm mạnh, giá đất được kiểm soát không tăng so với quý I |
Cũng theo Hội Môi giới, giá căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM trong quý II có thể sẽ được giữ nguyên. Dự kiến những sản phẩm mới ra giai đoạn này có thể xây dựng được giá bán phù hợp hơn.
Về giá đất, với sự vào cuộc của chính quyền các địa phương thời gian qua, giá đất sẽ được kiểm soát và không tăng so với quý I. Thậm chí, một số khu vực sẽ xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.
Khảo sát thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể, có dấu hiệu chững lại nhưng việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản chưa xảy ra.
Theo giám đốc một sàn bất động sản, đối với những dự án quy hoạch đã được công khai giá giao dịch trên thị trường vẫn ở mức cao. Còn đối với những dự án chưa rõ pháp lý, chưa có quy hoạch chính thức thì nhiều nhà đầu cơ đang gặp khó trong việc đẩy bán.
Vị này cho rằng để cắt lỗ, bán tháo là chưa xảy ra bởi một chu kỳ đầu tư kinh doanh bất động sản thường sẽ kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Chỉ khi vượt ngưỡng thời gian trên, để thu hồi vốn đầu tư cũng như có nguồn chi trả lãi suất ngân hàng,… khi đó mới xuất hiện tình trạng bán đổ, bán tháo.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng, khi cơn sốt đi qua, đất nông nghiệp bị bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Chưa kể, sau những cơn sốt đất, đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội an cư lạc nghiệp vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai thẳng thắn nhìn nhận từ cơn sốt đất thời gian qua có bài học về công tác quản lý thị trường bất động sản.
“Do công tác này được triển khai chưa thấu đáo nên xuất hiện tình trạng môi giới lợi dụng, gây nóng thị trường. Chúng tôi tiếp thu bài học này để trong cơ chế chính sách cũng như tổ chức thực hiện phải có sự kiểm tra, giám sát tốt hơn”, ông Phấn nói.
Thuận Phong
Giải mã cơn sốt đất dân ôm tiền tỷ lao vào đu đỉnh
Giá đất tại Hà Nội thời gian qua được đẩy lên cao nhất là đất ở nông thôn, đất vườn- ao, đất lâm nghiệp… Có nơi tăng lên 100% thậm chí đột biến tăng 200%.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét