Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Bộ Xây dựng uỷ quyền cho Sở địa phương giải quyết nhiệm vụ cấp bách

Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị các địa phương học theo kinh nghiệm của TP.HCM xác định bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp đã được quy định rõ tại Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 15/2021 của Chính phủ.

Cam kết được Thứ trưởng đưa ra cuộc họp trực truyến (ngày 22/7) với 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16. Đây cũng cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại TP.HCM.

Bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp

Cuộc họp tập trung vào các vấn đề về việc triển khai thiết kế, xây dựng bệnh viện dã chiến (BVDC) và các khu cách ly tập trung (CLTT); hoạt động cung ứng các dịch vụ đô thị như cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt, chất thải bệnh viện, an táng…; hoạt động đầu tư xây dựng và biến động thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn; bố trí nơi ở cho người lao động tại các công trường, nhà máy công nghiệp vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất trong mùa dịch...

{keywords}
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Xây dựng tại TP.HCM - Lê Quang Hùng, chủ trì cuộc họp

Theo báo cáo của đại diện TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cà Mau, Cần Thơ…, các địa phương khá thống nhất trong việc giao Sở Xây dựng làm đầu mối trong công tác đầu tư xây dựng BVDC, khu CLTT; chủ động triển khai các BVDC với quy mô đảm bảo thu dung, khám chữa bệnh nhân F0, có dự phòng phát sinh trong thời gian tới.

Hầu hết các BVDC được chuyển đổi chức năng từ các cơ sở vật chất hiện có như bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện; ký túc xá của các cơ sở đào tạo; các chung cư tái định cư có sẵn trên địa bàn; trung tâm triển lãm…

Như tại TP.HCM hiện đã hoàn thành xây dựng nhiều BVDC với tổng quy mô lên đến 55.000 giường. Hiện TP đang tiếp tục xây dựng một số BVDC, dự kiến lần lượt hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 8 và tháng 9, nâng tổng quy mô của các BVDC lên đến 87.000 – 90.000 giường. Vừa qua, TP.HCM tiến hành xây dựng mới hoàn toàn 2 BVDC quy mô hơn 6.000 giường tại quận 7 và huyện Bình Chánh. 

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, thời gian thiết kế, xây dựng mỗi BVDC mới chưa đến 2 tháng. Thành phố triển khai nhanh, thành công các BVDC bởi xác định BVDC là công trình khẩn cấp, thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và Nghị định 15/2021 của Chính phủ.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhận định hướng dẫn xây dựng BVDC do Bộ Xây dựng ban hành đã phát huy hiệu quả trong thực tế triển khai và đề nghị các địa phương học theo kinh nghiệm của TP.HCM xác định BVDC là công trình khẩn cấp. Việc thực hiện quy trình đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp đã được quy định rõ tại Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 15/2021.

{keywords}
Hiện nay, hoạt động cung ứng các dịch vụ đô thị tại các địa phương đều được duy trì ổn định, không có bất thường song không được chủ quan, phải có những phương án dự phòng trong điều kiện khẩn cấp

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các Cục, Vụ chức năng của Bộ nghiên cứu mở rộng hướng dẫn thiết kế chuyển đổi các cơ sở vật chất hiện có như ký túc xá, nhà tái định cư… thành các BVDC để thu dung khám chữa bệnh nhân F0, (không nhất thiết phải xây dựng mới). Bởi đây là mô hình được các địa phương quan tâm và áp dụng nhiều trong thực tế.

Bảo đảm tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm

Báo cáo tại cuộc họp, các địa phương cho biết, thị trường vật liệu xây dựng có tăng nhưng chủ yếu là tăng từ đầu năm chứ không riêng đợt bùng phát dịch lần này...

Tại TP.HCM và một số địa phương khác, hoạt động đầu tư xây dựng công, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm vẫn được duy trì, bảo đảm tiến độ yêu cầu. Các dự án đầu tư xây dựng khác nếu đáp ứng được các yêu cầu “3 tại chỗ” (làm việc, ăn uống nghỉ ngơi tại chỗ), “1 cung đường, 2 điểm đến”, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bảo đảm an toàn mùa dịch thì một số địa phương vẫn phép cho hoạt động.

{keywords}
Xác định bệnh viện dã chiến là công trình khẩn cấp, thời gian thiết kế, xây dựng mỗi bệnh viện dã chiến mới chưa đến 2 tháng

Trước đề xuất của các địa phương liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền quản lý nhà nước ngành Xây dựng, Thứ tưởng cam kết Bộ Xây dựng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính để hỗ trợ tối đa các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế -xã hội. Ở một số nhiệm vụ cấp bách thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ sẽ ủy quyền cho Sở Xây dựng, Sở chuyên ngành địa phương giải quyết, nhằm bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Thứ trưởng nhận định, hiện nay, hoạt động cung ứng các dịch vụ đô thị tại các địa phương đều được duy trì ổn định, không có bất thường. Song không được chủ quan, phải có những phương án dự phòng trong điều kiện khẩn cấp.

Thứ trưởng cho biết sẽ tổng hợp báo cáo của các địa phương tại cuộc họp và gửi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ hỗ trợ các địa phương tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng.

Thuận Phong

Lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ xây bệnh viện dã chiến ở miền Nam

Lập tổ công tác đặc biệt hỗ trợ xây bệnh viện dã chiến ở miền Nam

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng tại TP.HCM.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét