Vướng vào "bom nợ" lên đến hơn 300 tỷ USD, tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đối mặt khó khăn chưa từng có. Song hệ luỵ hôm nay được cho một phần xuất phát từ việc đầu tư ngoài ngành bất động sản.
Không phải công ty đầu tiên đầu tư ngoài ngành
Washington Post cho hay, Evergrande sở hữu 1.300 dự án bất động sản (BĐS) ở 280 thành phố. Vào cuối tháng 6, công ty cam kết xây dựng 1,4 triệu bất động sản. Ngoài BĐS, Evergrande từng lấn sân vào xe điện với công ty con là Evergrande New Energy Auto (Evergrande NEV), công ty sản xuất truyền thông và Internet là Henten Networks, công viên giải trí Evergrande Fairyland, câu lạc bộ bóng đá Guangzhou FC và cả công ty sản xuất nước khoáng đóng chai, công ty thực phẩm...
Đằng sau "bom nợ" của Evergrande là các khoản vay đóng gói thành các sản phẩm quản lý tài sản (WMP). Người cho vay được tập đoàn hứa hẹn với lợi suất đến 12% tuy nhiên, giờ đây, nhiều người như ngồi trên lửa vì họ lo sẽ không thể nhận lại được số tiền đã đầu tư cho tập đoàn này (Ảnh: NYtimes) |
Với hơn 200 công ty con ở nước ngoài và gần 2000 công ty con trong nước. Tài sản của Evergrande lên đến 2000 tỷ nhân dân tệ tương đương 2% tổng GDP của Trung Quốc - số liệu của Goldman Sachs.
Trong đó, câu chuyện đổ tiền vào xe điện của Evergrande được nhắc đến nhiều hơn cả. Năm 2018, Evergrande kỳ vọng sẽ vượt cả công ty xe điện hàng đầu thế giới Tesla và dẫn đầu thị trường. Đây cũng là lời của ông Hui Ka Yan - Chủ tịch tập đoàn này, một người không có kinh nghiệm và không có công nghệ trong chế tạo ô tô.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu dựa vào sự dũng cảm của ông Hui. Lúc đó, công ty con chuyên sản xuất xe điện của Evergrande thu được hàng chục tỷ USD từ bán cổ phiếu trong khi con số doanh thu về từ bán xe điện chỉ là con số 0.
Evergrande có 6 mẫu xe nhưng không xuất xưởng chiếc ô tô nào, do liên tục lùi lịch sản xuất. Công ty con Evergrande NEV báo lỗ 740 triệu USD trong nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào xe điện chỉ là một nỗ lực mới nhất của công ty bất động sản khổng lồ nhằm đa dạng hoá lợi ích kinh doanh. Trước đây, Evergrande đầu tư vào lĩnh vực nước đóng chai, sản xuất âm nhạc và quản lý câu lạc bộ bóng đá Guangzhou FC nhưng tất cả đều thất bại hoặc thua lỗ.
Ông Hui Ka Yan - Chủ tịch, sáng lập Evergrande đã đổ tiền vào nhiều lĩnh vực ngoài bất động sản song không có lĩnh vực nào thành công (Ảnh SCMP) |
Bill Russo - người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty tư vấn Automobility ở Thượng Hải, Trung Quốc nhận xét: "Đó là một công ty kỳ lạ. Họ đổ nhiều tiền vào mà không thực sự mang lại bất cứ thứ gì, cộng với việc họ đang bước vào một ngành mà hiểu biết rất hạn chế".
Bài viết đăng hồi tháng 4/2021, của tờ Bloomberg có đoạn, trong khi công ty (Evergrande NEV-PV) đã thành lập 3 cơ sở sản xuất ở Quảng Châu, Thiên Tân và Thượng Hải nhưng không có một dây chuyền lắp ráp ô tô. Trả lời câu hỏi của hãng tin Bloomberg, đại diện Evergrande NEV cho hay, đang tích cực chuẩn bị máy móc để sản xuất thử nghiệm và có thể sản xuất "một chiếc xe mỗi phút" khi đủ sản lượng.
Bài viết cũng dẫn số liệu cho thấy mức lỗ cả năm 2020 của công ty xe điện Evergrande NEV tăng thêm 67%. Ông Hui Ka Yan - Chủ tịch tập đoàn hay, công ty không có kế hoạch sản xuất thử nghiệm vào cuối năm 2021, dù trước đó mốc thời gian là tháng 9/2020 cũng bị hoãn. Và kế hoạch giao xe cho khách cũng được lùi bắt đầu vào một thời điểm nào đó trong năm 2022, kỳ vọng công suất sản xuất xe điện hàng năm từ 500.000 xe đến 1 triệu xe vào tháng 3/2022 cũng bị lùi cho đến 2025. Tuy vậy, công ty đưa ra dự báo đầy thú vị, sẽ sản xuất 5 triệu xe/năm vào năm 2035.
Thị trường BĐS Trung Quốc phát triển nóng, Chính phủ kiềm chế giá nhà tăng cao điều này làm tăng chi phí, cắt giảm lợi nhuận của các công ty BĐS. Vì vậy, để tồn tại, các công ty như Evergrande phải đa dạng hóa vốn nắm giữ hoặc họ có nguy cơ bị gánh lợi nhuận thấp, nợ nần chồng chất. Tuy vậy, rõ ràng bài học của Evergrande là tấm gương cho các công ty khác tránh vết xe đổ như tập đoàn này đã làm với công ty xe điện.
Việc cam kết lãi suất cao với trái phiếu BĐS là “mồi nhử”, nhà đầu tư không phân tích được “sức khỏe” doanh nghiệp, mà chỉ chạy theo lãi suất thì rủi ro rất cao |
Điều đáng nói là Evergrande không phải là công ty BĐS duy nhất hoặc đầu tiên đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh. Hồi năm 2012, tập đoàn Wanda đã chi tiền mua nhà điều hành rạp chiếu phim của Mỹ là AMC với 2,6 tỷ USD và mua lại xưởng sản xuất Legendary Entertainment của Hollywood với giá 3,5 tỷ USD vào năm 2016.
Hay như hồi năm 2014, một trong những công ty BĐS hàng đầu Trung Quốc là China Vanke đã đầu tư ra ngoài ngành. Tập đoàn mở rộng sang lĩnh vực kho bãi, hậu cần trong lúc các giám đốc điều hành cảnh báo doanh số từ bất động sản - lĩnh vực cốt lõi của công ty giảm xuống.
Nóng "cuộc đua" gọi vốn của doanh nghiệp bất động sản
Theo chuyên gia tài chính, Evergrande có khả năng vỡ nợ nhưng khi đặt vấn đề về tác động dây chuyền đến thị trường Việt Nam chuyên gia cho rằng không có ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, cần nhìn nhận từ “bom nợ” Evergrande để thấy rủi ro tiềm ẩn giữa tập đoàn này và các doanh nghiệp bất động sản nước ta khi các nhà kinh doanh BĐS phát hành lượng trái phiếu lớn mà không tính đến rủi ro.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, hiện đã có những quy định mới nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn rủi ro trái phiếu doanh nghiệp như nhà đầu tư cá nhân tham gia phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp... nhưng nhìn chung vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Việc cam kết lãi suất cao với trái phiếu BĐS là “mồi nhử” của doanh nghiệp, tạo động lực để nhà đầu tư nhanh chóng xuống tiền.
Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo.
Mới đây, báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021 có 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị 308,5 nghìn tỷ đồng, mức cao chưa từng có.
Đáng chú ý, doanh nghiệp BĐS là nhóm trả lãi trái phiếu cao nhất. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm. 8 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu BĐS phát hành đạt 107,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt là doanh nghiệp “chịu chi” khi trả lãi trái phiếu tới 13%/ năm, tiếp sau là Công ty Galactic Group 12,5%, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, CTCP Tập đoàn Đất xanh 12%...
Theo báo cáo tài chính các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên thị trường chứng khoán quý II/2021, mặc dù lãi lớn nhưng rủi ro lớn nhất với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chính là gánh nặng nợ vay ngày càng lớn trong khi tồn kho BĐS tăng mạnh, âm dòng tiền kinh doanh.
Thống kê cho thấy, 20 doanh nghiệp vay và nợ thuê tài chính lớn nhất sàn chứng khoán hiện đang vay nợ 292.200 tỷ đồng, tăng 7% so với con số vay nợ đầu năm là 272.187 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp gánh nợ vay và tồn kho ngày càng tăng dẫn đến âm dòng tiền kinh doanh.
Như Công ty Hà Đô, vốn 14,7 nghìn tỷ đồng, tính đến hết quý II/2021 thì chiếm tới 48% là nợ vay. Công ty CP Bất động sản Thế kỷ - Cenland (CRE), hàng tồn kho 6 tháng đầu năm tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ, ghi nhận 1.260 tỷ đồng, trong khi tổng nợ phải trả 2.643 tỷ đồng, tăng 96% so với đầu năm, chiếm tới 56% tổng tài sản, gấp 1,26 lần vốn chủ sở hữu. Khoản nợ ngắn hạn phải trả tại doanh nghiệp cũng tăng 50% so với đầu năm, lên mức 1.976 tỷ đồng. Nợ dài hạn phải trả tăng mạnh 111% lên mức gần 954 tỷ đồng. Riêng vay nợ tài chính 2.058 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với con số đầu năm…
Cẩm Linh - Thuận Phong
Liều ôm trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lãi suất cao nguy cơ sụt hố
Bộ Xây dựng dẫn thông tin khuyến cáo nhà đầu tư không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao bởi rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét