Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Nét duyên nhà mái rạ

Ở Anh và cả châu Âu hôm nay, việc sở hữu một ngôi nhà mái rạ kiểu cổ điển đang là một trào lưu, bởi có được sự tự hào ấy, chủ nhân ngôi nhà phải có rất nhiều tiền.

Nhà mái rạ Thuỵ Điển với dốc mái đứng đặc trưng ở Bắc Âu.

Ngôi nhà mái rạ đầu tiên mà tôi gặp được tại Anh Quốc, chính là quán rượu Old Thatch Tavern nơi quê hương của đại văn hào Shakespeare ở Stratford-upon-Avon. Nhìn trong cả dãy phố chính nối từ ga tàu ra bờ sông Avon, ngôi nhà mái rạ ấy cũng mang nét bình dị như bao nhà cổ khác, duy chỉ có phần mái đen mun bị rêu ăn lỗ chỗ khiến lữ khách nào đi ngang cũng phải chú ý bởi vẻ đẹp lạ kỳ của nó.

Đó chỉ là một trong số những ngôi nhà mái rạ tại Anh, nơi nhà mái rạ ra đời từ thời trung cổ (thế kỷ 5), là một biểu tượng vượt thời gian mỗi khi nhắc về nhà cổ làng quê và tay nghề những thợ thủ công của Anh Quốc trong lĩnh vực kết rơm lợp mái nhà. 

Bền như mái rạ

Bền lâu là một trong số những ưu điểm nổi trội của nhà mái rạ. Tuỳ vào các chất liệu rơm rạ ở mỗi vùng miền, tuổi thọ của lớp mái có khác nhau đôi chút, nhưng ước tính không dưới 40 – 50 năm, lớp lợp trên cùng khi ấy mới bị mủn đi và cần được thay mới. Trong khi đó có những ngôi nhà mái rạ cổ ở Anh với lớp mái nằm tầng dưới cùng có tuổi đời lên tới trên 600 năm mà vẫn sử dụng tốt. 

Là vật liệu dễ tái tạo nên mái rạ được ví như sợi carbon trong tự nhiên, cách nhiệt và cách âm cực tốt cho nhà, đồng thời giúp giảm thiểu nhiên liệu bởi có khả năng giữ ấm cho ngôi nhà vào mùa đông và tạo sự mát mẻ vào mùa hè. Tuy vậy, với sự phát triển của công nghệ trong nông nghiệp, việc trồng các loại lúa mì ngắn ngày với dư lượng phân bón và thuốc trừ sâu cao để lấy năng suất, vô tình đã đẩy chất lượng của rơm rạ đi xuống so với trước.

Mái rạ với những đường tỉa cắt tinh tế là nét đặc trưng của thợ lợp mái rạ ở Anh. Một nhà mái rạ cổ ở thành phố Ystad, miền cực nam Thuỵ Điển.

Để bảo tồn nét đẹp của nhà mái rạ, nhiều nhà nông tuyên bố chỉ trồng lúa sạch để lấy rơm rạ lợp nhà, một số thợ dựng nhà mái rạ cũng lập đồn điền để tự cung cấp nguồn nguyên liệu cho họ dựng nhà. 

Dù đẹp, dù bền, cộng với nhiều yếu tố như việc dễ hoà hợp với không gian và môi trường xung quanh, việc sử dụng giảm thiểu được năng lượng sưởi ấm, thân thiện với môi trường và rất hợp thời, nhưng chi phí để có được một ngôi nhà mái rạ chẳng hề rẻ, chỉ tính riêng ở Anh, chi phí trung bình là 450.000 bảng (hơn 15 tỉ đồng).

Còn ở các nước Bắc Âu, giá trị một ngôi nhà mái rạ bao giờ cũng đắt gấp ba lần so với ngôi nhà có cùng diện tích xây dựng, được làm từ các chất liệu khác.

Đẹp nhờ thủ công 

Vẻ đẹp của nhà mái rạ không gì hơn chính từ phần mái nhà. Và mỗi người thợ lợp mái đều có phong cách, cá tính và lối thể hiện riêng qua cách lợp mái và các nút cắm, chốt gài phần rơm rạ và lối cắt tỉa sao cho gọn gàng, đẹp mắt, đem lại tổng thể nét duyên cho toàn ngôi nhà. Nhìn trên bình diện chung trong số các ngôi nhà mái rạ ở khắp thế giới, nhà ở Anh và xứ Wales được đánh giá là lợp mái đẹp nhất.

Nhà ở khu vực Bắc Âu có phần mái tận dụng nhiều đường mạnh, cá tính với những góc cạnh rõ rệt, bộ chốt gài trên đỉnh vì kèo rất gồ ghề và ấn tượng, mái lợp xuôi thẳng chứ không lượn đường cầu kỳ. Trong khi đó, ở Anh, các ngôi nhà được thể hiện bằng lớp rạ dày hơn, các đường mạnh được làm mềm đi bằng lối tỉa lớp mái tạo thành các đường cong duyên dáng xếp chồng, đan xen nhau, tôn nhau lên khiến cho ngôi nhà càng thêm quyến rũ với vẻ đẹp vốn có của nó. 

Góc đồ dùng của nhà bếp trong ngôi nhà mái rạ.

Không gian nội thất của ngôi nhà mái rạ ở Costwolds với nhiều hiện vật cổ từ hơn 300 năm.

Mặc dù giá trị của nhà mái rạ ngày càng cao, vì nguồn nguyên liệu để làm mái nhà ngày càng hiếm dần, việc cần một khối lượng lớn rơm rạ cùng lúc để đáp ứng nhu cầu dựng nhà ngay tức thời cũng là một khó khăn đáng kể. Tuy vậy, nhà mái rạ vẫn có nét hấp dẫn riêng bởi nét đẹp giản đơn và dù đặt trong bất kỳ không gian nào, chúng cũng đều hoà hợp với tổng thể môi trường xung quanh.

An toàn nhờ công nghệ

Mười năm về trước, tại Anh quốc, nhà mái rạ được liệt vào danh sách sẽ biến mất theo thời gian, nguyên do bởi khi ấy cứ trung bình một tuần đã có một ngôi nhà mái rạ bị cháy do nhiều nguyên do, chính yếu nhất chính là việc đốt lò sưởi bằng củi và những bất cẩn hoặc sự cố về than lửa, ống khói chưa thông khiến nhà bị lửa phá hỏng.

Ngay trong giới bán bảo hiểm, mỗi khi nhắc đến nhà mái rạ, ai cũng ngao ngán bởi độ rủi ro cho dòng sản phẩm này khá cao. Do vậy, khi lợp hoặc thay mới một ngôi nhà mái rạ hôm nay, người thợ lợp mái kết hợp giữa yếu tố thủ công và công nghệ hiện đại, bằng việc sử dụng các tấm lợp chống cháy được gắn chốt vào đỉnh vì kèo, sau đó lợp rơm rạ lên để trường hợp xảy cháy bất kể ngọn lửa xuất phát từ nội thất hay bên ngoài tác động, phần rơm rạ sẽ bén lửa chậm hơn so với thông thường, kéo dài thời gian tham gia dập lửa và giảm thiểu thiệt hại.  

Nội thất mang tính đương đại trong một ngôi nhà mái rạ mới được xây dựng ở Ovraby, Thuỵ Điển.

Trong thiết kế kiến trúc, nhà lợp mái rơm rạ có độ nhẹ hơn nhiều so với việc lợp ngói hoặc các chất liệu khác. Nhưng ngôi nhà mái rạ có độ bền lâu hay không lại lệ thuộc nhiều trước hết vào kỹ năng người thợ lợp mái, kế đến là chất lượng của rơm rạ, và sau cùng là yếu tố thời tiết. 

Nhìn vào từng loại hình nhà mái rạ, có thể phần nào nhận ra ngay xuất xứ của nó, chẳng hạn như nhà mái rạ ở Anh mái rất dày, có độ dốc vừa phải, sử dụng nhiều đường cong ở các góc mái. Còn nhà mái rạ Thuỵ Điển, Đan Mạch có độ dốc cao hơn, nguyên do để trong trường hợp thời tiết xấu, tuyết rơi dày, mái dốc sẽ giảm thiểu lực đè của tuyết đọng lên lớp mái, giúp việc thoát nước nhanh hơn để đảm bảo an toàn cho ngôi nhà. 
Trong số các nét đẹp tiêu biểu của kiến trúc ở thế kỷ 21, nhà mái rạ đang dần trở thành một biểu tượng, một nét đẹp rất riêng, hòa nhã và bình dị trong mọi môi trường, từ thành thị đến các miền nông thôn hẻo lánh nơi trời Tây. 

Theo nguoidothi.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét