Là một đất nước có nhiều nhiều rừng già, lại thích lối sống tự nhiên-hồn hậu, giữ gìn truyền thống, nên người Nga rất chung thủy với gỗ và thường làm nhà bằng gỗ để ở trong suốt hàng trăm năm, cho dù đó là vua chúa hay dân thường.
Ở xứ sở Bạch Dương, nhiều người vẫn đang ở trong những căn nhà khung gỗ log, tức là dùng cả một thân gỗ, đục đẽo ở hai đầu và lồng ghép với nhau lần lượt từng cây để tạo thành các bức tường.
Ngoài ra, ván gỗ dày được dùng làm vách, mái, cửa sổ và bịt kín mọi khe hở không cần thiết bằng đất sét, nhựa dẻo, bông vải. Nhờ vậy, mùa đông ngôi nhà cực ấm, song mùa hè lại dịu mát, và lúc nào cũng tỏa lan hương gỗ ngào ngạt.
Tùy điều kiện kinh tế - môi trường, người ta kiến tạo ra khá nhiều kiểu nhà khác nhau, mà thông thường là khác ở độ lớn, có lò sưởi - cửa sổ hay lan can không, còn về hình dáng thì tương đồng.
Tựu chung, có các loại nhà sau: Klet là một căn nhà đơn giản nhất trong các công trình kiến trúc dân dã. Nó thường có hình tứ giác, và vì xinh xắn nên được gọi là lều, và nếu trong lều có lò sưởi thì là lều Izba.
Túp lều này, với một gia đình ba, bốn người đã là một chỗ ở rất tốt, song với phú hộ, quý tộc, quan lại, vua chúa, nó chỉ nơi ở tạm nhân dịp nghỉ ngơi và săn bắn cuối tuần.
Với nhà giàu, nó thường được xây ở cách xa so với nơi ở chính (biệt thự, cung điện), và chỉ khi có tiệc tùng, khách khứa tới du ngoạn sơn thủy, thì gia chủ mới kéo tới đây ăn ở.
Vì mùa đông ở Nga, tuyết rơi lạnh giá, càng ở trong rừng càng lạnh, nên tường và trần của Klet luôn được bít kín bởi sét, sợi lanh, sợi gai, vải, nỉ…, đồng thời có một lò sưởi kiểu Nga góc nhà. Nhờ có Izba, nhiều người cũng làm luôn ở dưới sàn gỗ một gian phòng để nuôi nhốt gia súc, gia cầm.
Nếu như Klet là một căn nhà độc lập, một tầng thì Khoromy là một tổ hợp nhà cửa lớn cho một đại gia đình, và đối với vua chúa là một lâu đài. Một tòa nhà thường có phòng khách ở phía trước, phòng thờ và buồng ngủ ở đằng sau cùng nhiều gian bếp, nhà tắm, nhà kho, chuồng trại…
Trong một Khoromy, thường phân chia các tầng khá rõ rệt. Ví dụ một tòa nhà hai tầng sẽ có tầng trệt Podklet để dành cất trữ lương thực, nhu yếu phẩm, đồ dùng và làm chỗ ăn ở cho kẻ hầu người hạ ngày xưa. Khi ấy, quý tộc, vua chúa sẽ ở trên lầu Gornitsa.
Tầng này theo tiếng Nga có nghĩa là lầu cao, và khác với bên dưới nó luôn có những cửa sổ rộng để lấy sáng, không khí, cảnh đẹp. Nói về cửa sổ của Nga, là nói tới những cửa sổ màu đỏ, với đỏ trong tiếng Nga ngụ ý về xinh đẹp, vì thế Quảng trường Đỏ không đơn giản là quảng trường được sơn màu đỏ mà là công trình tráng lệ!
Trước thế kỷ 17, kính ở Nga hơi hiếm nên mọi nhà thường lấy bong bóng cá, bàng quang của bò và mica làm kính. Người ta dành miếng mica lớn nhất đặt ở giữa cửa sổ trong một khung tròn, còn những mảnh khác nhỏ hơn bố trí xung quanh.
Đến thế kỷ 17, họ bắt đầu sơn mica, và nhà giàu dùng kính màu với những họa tiết sặc sỡ.
Ngoài dáng vẻ đồ sộ, sừng sững, nhiều ngôi nhà dân gian Nga còn được trang trí bằng những mảng phù điêu, trạm trổ trên gỗ hết sức hấp dẫn. Truyền thống điêu khắc trên kiến trúc ở Nga đã có từ thời xa xưa, khi mọi người hãy còn theo tín ngưỡng đa thần.
Do sợ hãi trước những hiện tượng tự nhiên không giải thích được, nên người ta đã đẽo khắc gỗ, cụ thể là rui mè, xà rầm, cột tường, cửa sổ, cửa ra vào… của ngôi nhà thành nhiều hình ảnh để làm các lá bùa che chắn và bảo vệ gia đình khỏi ánh mắt của quỷ dữ.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều hình ảnh lại mang tới tài lộc, sự may mắn, công danh và sức khỏe sinh sản...
Theo giaoducthoidai.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét