Câu chuyện của phân khúc bất động sản hàng hiệu không đơn thuần dừng ở bán mua, sinh lời mà ẩn sau đó là “lắm công phu” của những đơn vị phát triển đủ năng lực để đưa ra được những sản phẩm đẳng cấp nhất.
Phân khúc bất động sản dành riêng giới thượng lưu
Giới trong nghề xưa nay vẫn hay gọi BĐS gắn tên thương hiệu khách sạn cao cấp là “BĐS hàng hiệu” bởi câu chuyện của thị trường đặc biệt này không đơn thuần dừng ở bán mua và sinh lời, nó thực sự là “nghề chơi” chỉ dành cho giới thượng lưu. Lẽ tất nhiên, phân khúc “lắm công phu” này chỉ dành cho số ít đơn vị phát triển hội tụ đầy đủ các yếu tố để đưa ra được những sản phẩm đẳng cấp nhất.
Chị Phương Anh, một chuyên gia tư vấn BĐS cao cấp có kinh nghiệm tại thị trường Phú Quốc lấy ấn phẩm giới thiệu một dự án BĐS mới làm ví dụ. Theo nội dung giới thiệu, đây là dự án biệt thự cao cấp với vị trí cạnh bờ biển Phú Quốc và được vận hành bởi một thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế có tiếng. “Chỉ một chi tiết “được vận hành bởi” đó là khác nhau nhiều lắm,” chị Phương Anh lý giải.
Theo chị Phương Anh, dự án này nhà phát triển dự án BĐS xây dựng và hoàn thiện từ đầu tới cuối toàn bộ, sau đó mời thương hiệu quản lý vào vận hành.
“Nếu không tìm hiểu, nhìn bề ngoài có thể hiểu nhầm đây là mô hình Branded residences nhưng không phải như vậy. Branded residences khác hoàn toàn và tất nhiên giá trị cũng ở mức cao hơn rất nhiều nếu không nói là cao nhất trong toàn bộ thị trường”, chị Phương Anh nói.
Mỗi thương hiệu vận hành khách sạn, đặc biệt các thương hiệu ở phân khúc cao cấp, khi hợp tác với các chủ đầu tư, để dự án được gắn tên thương hiệu thì bản thân BĐS đó phải tuân thủ và đạt được tiêu chuẩn khắt khe tùy vào cấp độ cao cấp của từng thương hiệu.
Đơn cử như với các thương hiệu vận hành cao cấp hoặc siêu sang, số lượng biệt thự hay căn hộ của dự án phải ở mức giới hạn. “Đó không chỉ là vấn đề tạo nên cảm giác sở hữu những BĐS hiếm hoi cho khách hàng mà quan trọng là nó đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất của thương hiệu, tính hiệu quả khi vận hành, và đặc biệt là đem tới cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất về sự sang trọng và đẳng cấp”, chị Phương Anh nhấn mạnh.
Câu chuyện “ẩn sau mỗi bức tường”
Giới trong nghề cũng nói với nhau về cụm từ “behind the wall” (ẩn sau mỗi bức tường) để nhắc tới những tiêu chuẩn mà mỗi thương hiệu yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt đối với nhà phát triển BĐS. Đó có thể là tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của hệ thống điện, hệ thống xử lý nước xả thải hay một chất liệu được sử dụng cho hệ thống xả nước nhà vệ sinh để không tạo tiếng ồn bất tiện khi sử dụng hay tiêu chuẩn của hệ thống điều hòa không khí như thế nào để luôn giữ nhiệt độ hợp lý cho gia chủ. Xa hơn là tiêu chuẩn về hệ thống ánh sáng tại các không gian, yếu tố tác động rất lớn tới cảm xúc của con người …
Vì sao nhà phát triển trong quá trình triển khai dự án phải đảm bảo đạt những tiêu chuẩn từ rất nhỏ như vậy? Bởi chính trong quá trình trải nghiệm, sự tổng hòa của những điều tưởng rất nhỏ và “vô hình” như thế đem tới cho người thụ hưởng cảm nhận đầy đủ và rõ ràng nhất sự sang trọng. Sự sang trọng không phải chỉ là những món đồ nội thất lấp lánh hay chi tiết mạ vàng lên tay nắm cửa phòng.
Một nhà phát triển BĐS có tiếng tại Việt Nam kể lại câu chuyện chị trải nghiệm tại khách sạn Rosewood Hong Kong.
Chỉ lưu lại đây 2 đêm, chị đã hoàn toàn bị thuyết phục và sẽ quyết định hợp tác với thương hiệu khách sạn siêu sang này cho điểm đến sắp tới đây của tập đoàn. Chỉ kịp nhận phòng và tham dự ngay cuộc họp nhưng khi trở lại phòng, chị không khỏi bất ngờ khi bồn nước đã xả nước ở nhiệt độ vừa phải, mùi hương phòng cũng khiến chị rất dễ chịu. Tối đến, trước giờ đi ngủ, nhân viên nhẹ nhàng mang tới phòng mời chị một chiếc bánh cherry pie tuyệt ngon, món mà chị rất ưa thích. Và chia tay chị, khách sạn gửi tặng 2 cô con gái nhỏ đang chờ ở nhà 2 món quà có tên riêng từng cô bé.
Điểm lớn nhất khiến vị khách vốn từng trải nghiệm không ít khách sạn cao cấp và siêu sang khắp thế giới bị thuyết phục chính là những động tác chăm sóc rất nhẹ nhàng nhưng “trúng phóc” đó đến từ những câu chuyện nhỏ nhẹ, tưởng chừng rất xã giao giữa khách và nhân viên khách sạn. Họ đã khéo léo nắm bắt được nhu cầu và những thông tin của khách để tạo ra những dấn ấn bất ngờ dành riêng cho từng thượng khách.
Điều này được thể hiện rõ nét nhất ở triết lý kinh doanh của những thương hiệu khách sạn xa xỉ trên thế giới, đơn cử như triết lý “Luxury is Personal - Xa xỉ được coi là trải nghiệm mang đậm tính cá nhân” của thương hiệu Park Hyatt. Nơi sự tự tin không bao giờ cần phải phô trương, và những trải nghiệm thích thú không hẹn trước luôn là một phần của hành trình trải nghiệm.
Xuân Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét