Năm 2019 được đánh giá là thời điểm thị trường BĐS TP.HCM rơi vào tình trạng im ắng, ảm đạm do nguồn cung khan hiếm trầm trọng. Thay vào đó thị trường phụ như khu Tây lại là “tầm ngắm” mới của giới đầu tư.
Nguồn cung khan hiếm
Từ đầu năm 2019, thị trường BĐS TP.HCM chứng kiến nguồn cung hạn hẹp do sự thắt chặt về mặt chính sách, rất ít dự án mới được tung ra thị trường. Nguyên nhân được cho là vì các doanh nghiệp BĐS lớn, nhỏ đang tạm rời xa thị trường TP.HCM để vươn tới các tỉnh lân cận như Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Phan Thiết, Phú Quốc... Điều đó có nghĩa, bài toán về việc đáp ứng nguồn cung BĐS tại TP.HCM vẫn chưa có lời giải.
Có thể nói, TP.HCM đang bước vào chu kỳ khan hiếm nguồn cung nặng nề nhất trong nhiều năm trở lại đây. Rổ hàng toàn thành phố dự kiến chỉ có thêm từ 7.000-8.000 căn hộ. Còn đối với phân khúc nhà liền thổ, nguồn cung sẽ chỉ dao động tầm 2.200 căn, giảm 30% so với các kế hoạch từng công bố trước đây. Vì thị trường trong thời điểm khát nguồn cung nên tính thanh khoản của các sản phẩm khá cao. Bất kì dự án nào ra mắt tại TP.HCM cũng được các nhà đầu tư và người mua để ở “săn lùng” ráo riết để có được nơi đầu tư, an cư lý tưởng trong giai đoạn này.
Khu Tây TP.HCM - Thị trường mới được nhiều nhà đầu tư chú ý
Vì thị trường chính của TP.HCM đang bước vào giai đoạn khó khăn nên nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm đến các thị trường phụ như khu Tây để phát triển dự án và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Ngoài ra, khu Tây trở nên có sức hút được lý giải là nhờ vào quỹ đất lớn và sạch. Đặc biệt là giá đất tại khu vực này đang “mềm” hơn mặt bằng chung tại TP.HCM, vừa tầm tài chính với các nhà đầu tư.
Khu vực phía Tây TP.HCM cũng nổi tiếng với thế mạnh về thương mại - dịch vụ, chuyên sản xuất - kinh doanh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ nhờ vào ưu thế vị trí cửa ngõ và là nơi sinh sống, buôn bán của các thương nhân gốc Hoa. Đây cũng là nơi sở hữu rất nhiều chợ nổi tiếng như chợ Bình Tây, chợ Cây Gõ, chợ Bình Tiên, chợ Phú Lâm, tạo nên một khu vực giao thương sầm uất.
Hơn nữa, nhu cầu mua và thuê BĐS tại khu vực phía Tây TP.HCM rất cao, tập trung nhiều tại địa phương có hoạt động kinh doanh mạnh như quận 6, quận 8, quận 11, quận Bình Tân (đặc biệt là khu Tên Lửa). Ngoài ra, do nằm ngay vị trí cửa ngõ nên rất nhiều người miền Tây chọn khu vực này làm nơi sinh sống và làm việc, buôn bán.
Đồng thời, hạ tầng phát triển chính là một trong những yếu tố chính mở lối cho các dòng tiền đầu tư đổ về thị trường khu Tây. Cụ thể, khu vực này sẽ được TP.HCM dành hơn 96.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông nhằm giảm ùn tắc, quá tải tại các tuyến đường. Nhiều dự án đã và đang xây dựng mở rộng như: quốc lộ 1A, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, nâng cấp mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý, đường Trường Chinh.
Những dự án giao thông huyết mạch này sẽ giúp góp phần kết nối khu Tây với các khu vực khác trong thành phố và các tỉnh lân cận một cách dễ dàng. Giờ đây, để di chuyển từ khu vực Bình Tân, quận 6 đến quận 1 chỉ mất khoảng 12-20 phút và đến sân bay Tân Sơn Nhất là 30 phút. Đặc biệt bức tranh hạ tầng giao thông của khu Tây sẽ hoàn thiện hơn khi tuyến Metro 3A Bến Thành - Tân Kiên, cầu và đường Bình Tiên, đường Vành đai 2 (đoạn An Lạc - Nguyễn Văn Linh) được đi vào hoạt động.
Khu Tây TP.HCM đang dần “thay da đổi thịt” nhờ vào hạ tầng phát triển |
Với những lợi thế về mọi mặt, BĐS khu Tây TP.HCM được kỳ vọng sẽ còn bùng nổ hơn nữa, hứa hẹn trở thành khu đô thị cửa ngõ với những dự án dân cư, hạ tầng kết nối hiện đại cũng như các tiện ích về y tế, giáo dục và thương mại.
Doãn Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét