Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

'Nở rộ' vi phạm trật tự xây dựng ở TP.HCM: Giám đốc Sở Xây dựng nói gì?

Trước thực trạng nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép được phát hiện gần đây trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã chỉ ra nguyên nhân.

Mỗi ngày có hơn 8 vụ vi phạm xây dựng 

Chiều 25/10, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin về việc triển khai kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Kế hoạch này được UBND TP.HCM đưa ra bởi Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 8/10/2019. 

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng

Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng

Mục đích của kế hoạch là để chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND quận, huyện về công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng; tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý theo quy định. 

Nguyên tắc phối hợp là mọi công trình trên địa bàn TP phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi phát sinh nhằm hạn chế tối đa việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm. 

Ông Lý Thanh Long - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp, nhất là tại những quận huyện có tốc độ đô thị hoá nhanh. 

Thống kê cho thấy, mỗi năm tại TP.HCM có hàng ngàn công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được phát hiện và xử lý. Nếu như năm 2017 có 2.856 công trình (bình quân 7,8 vụ sai phạm/ngày) thì đến năm 2018 có 2.419 công trình (6,6 vụ vi phạm/ngày). 6 tháng đầu năm 2019 có 1.550 công trình, bình quân 8,5 vụ vi phạm/ngày, tăng 28% so với cùng ký năm 2018. 

Các công trình vi phạm trật tự xây dựng phát sinh đến nay đang hình thành các khu dân cư và nhà xưởng tự phát, phá vỡ quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường. 

Vì sao vi phạm trật tự xây dựng tăng? 

Theo ông Lê Hoà Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc nhiều công trình vi phạm xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua có nguyên nhân là sự yếu kém trong công tác phối hợp giữa các đơn vị, trong đó có Thanh tra Sở Xây dựng và quản lý trật tự đô thị địa phương. 

{keywords}

Ông Lê Hoà Bình phát biểu tại buổi họp báo thông tin về việc triển khai kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn chiều 25/10

Việc chấp hành pháp luật về trật tự xây dựng của các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, ngay cả nhà thầu xây dựng và đơn vị giám sát dự án cũng làm chưa tốt. Nếu như xây dựng công trình khó một thì việc tháo dỡ khó gấp hai, ba lần. Do vậy, quan điểm là phải làm sao phát hiện kịp thời các sai phạm, không để đến khi xây dựng xong mới xử lý”, ông Bình nói. 

Để chấn chỉnh tình trạng này, theo ông Lê Hoà Bình, kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng giữa Sở Xây dựng và các quận huyện sẽ được triển khai từ tháng 11/2019. Sở Xây dựng đã thực hiện thí điểm ở những địa phương có tình trạng vi phạm xây dựng “nóng” như huyện Bình Chánh, quận 9, Thủ Đức. 

Trong kế hoạch liên tịch, mỗi quận, huyện sẽ thành lập một tổ công tác và tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND quận, huyện. Tổ trưởng được quyền điều động, phân công các thành viên kiểm tra, giám sát tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn. 

Giám đốc Sở Xây dựng còn cho hay, đơn vị đã có báo cáo UBND TP.HCM trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng trực thuộc UBND quận, huyện trên cơ sở sáp nhập các đội thanh tra địa bàn thuộc Sở Xây dựng và đội quản lý trật tự đô thị quận, huyện.   

Nhằm tăng cường công tác thông tin với người dân trong thời gian tới, ông Lê Hoà Bình cho biết đầu tháng 11/2019 Sở Xây dựng sẽ cho ra mắt ứng dụng “Sở Xây dựng 24/7”.

Ứng dụng này sẽ liên tục cập nhật các dự án nhà ở đủ điều kiện kinh doanh để người dân có thêm thông tin pháp lý trước khi giao dịch. Ngoài ra, danh sách các dự án nhà ở xã hội đầu tư bằng vốn ngân sách và ngoài ngân sách cũng được cập nhật thường xuyên.

Về vụ việc 7 công trình nhà xưởng xây không phép của ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức và người thân tại hẻm 419/14 đường 48, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức 

Ông Lý Thanh Long, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, trách nhiệm xử lý thuộc UBND phường và quận. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hoà Bình cho biết thêm, địa phương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên việc thực thi chưa đầy đủ, chưa nghiêm nên gây dư luận không tốt. 

Liên quan đến hành vi xây dựng không phép của Công ty CP BĐS Sài Gòn Vi Na tại dự án Khu phức hợp cao ốc văn phòng – thương mại – khách sạn và chung cư tại số 628 – 630 Võ Văn Kiệt, phường 1, quận 5 (Dragon Riverside City), ông Lê Hoà Bình cho biết công trình đã được cấp phép xây dựng cọc và tường vây. 

Trước câu hỏi vì sao một công trình lớn với diện tích vi phạm xây dựng không phép lên đến gần 35.00m2 vẫn ngang nhiên xảy ra và khi có quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ thì chủ đầu tư chỉ thực hiện một phần? Giám đốc Sở Xây dựng trả lời rằng sẽ cho kiểm tra và trả lời sau (!?).

Dự án Dragon riverside City xây không phép gần 35.000m2, bị buộc tháo dỡ

Dự án Dragon riverside City xây không phép gần 35.000m2, bị buộc tháo dỡ

Chủ đầu tư dự án Dragon Riverside City quy mô hơn 1.000 căn hộ vừa bị xử phạt hành chính, buộc tháo dỡ phần diện tích gần 35.000m2 vì xây dựng không phép.

Phương Anh Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét