Thứ Tư, 19 tháng 2, 2020

Nóng sổ đỏ giữa thoái trào, condotel chất đống chờ thoát hàng

- Hướng dẫn của Bộ TN&MT về chế độ sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở trong đó có condotel và biệt thự du lịch được đánh giá không mới và nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Hướng dẫn không mới, “đá” trách nhiệm cho địa phương? 

Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ban hành văn bản số 703/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 14/2/2020 (văn bản số 703) hướng dẫn sở TN&MT các tỉnh, thành phố về chế độ sử dụng đất và việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó nhấn mạnh loại hình căn hộ du lịch (hay còn gọi là condotel) và biệt thự du lịch.

Về nội dung văn bản này, hiện cũng đang có nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV VietNamNet, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Giám đốc Công ty Luật DC Counsel cho hay, văn bản số 703 không phải hành lang pháp lý mới cho condotel mà chỉ là văn bản hướng dẫn nội bộ và không có tính mới. Nội dung văn bản hầu như dựa trên tinh thần các quy định pháp luật đã có của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS hay Luật Du lịch.

Theo luật sư Chánh, văn bản số 703 nhắc đến việc việc cấp giấy chứng nhận cho bên nhận chuyển nhượng condotel, biệt thự du lịch, tuy vậy đây chỉ là giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng. Trong khi đó, hiện giấy chứng nhận mới có 3 thành tố là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

{keywords}
Lượng giao dịch giảm, giá đi xuống, condotel chất đống chờ thoát hàng. 

“Nếu áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật liên quan thì việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng chỉ được thực hiện cho chủ đầu tư, bên sở hữu dự án. Còn chủ đầu tư và khách hàng chỉ ràng buộc bằng hợp đồng thuê. Điều nhà đầu tư condotel quan tâm là căn hộ của họ có được cấp sổ hồng riêng hay không?”, luật sư Chánh phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, về nội dung, văn bản số 703 không có gì mới và chỉ mang tính hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ TN&MT đối với các sở. Tuy nhiên, nội dung văn bản chưa đi vào cụ thể và có phần “đá” trách nhiệm cho địa phương. 

Theo luật sư Hạnh, trong văn bản Bộ TN&MT đề nghị các sở rà soát các dự án đầu tư đã được duyệt và việc giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích và thời hạn sử dụng đất. Trường hợp đủ điều kiện thì cấp chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất… Nếu sau khi rà soát có dự án không phù hợp thì giải quyết như thế nào?

“Condotel có mặt trên thị trường nhiều năm qua nhưng không có hành lang pháp lý, điều này không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cơ quan quản lý địa phương cũng bối rối. Tuy vậy,  nếu cấp giấy chứng nhận cho từng căn condotel thì sẽ làm thay đổi bản chất của dự án BĐS du lịch, các vấn đề pháp lý liên quan cũng rối rắm theo. Phải chăng, quả bóng trách nhiệm đang được “đá” cho địa phương?”, luật sư Hạnh nêu ý kiến. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, văn bản của bộ nhằm thống nhất vấn đề tranh cãi lâu nay về việc có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình cho condotel hay không. Trước nay, các quy định về cấp giấy chứng nhận rõ ràng, chế độ sử dụng đất giao cho dự án condotel là đất gì thì cấp giấy theo đất đấy. Cụ thể, giao đất sản xuất kinh doanh sẽ cấp theo sản xuất kinh doanh dịch vụ, chứ không thể cấp sang đất ở được.

“Cơ bản là theo nguồn gốc đất được giao. Theo đó, từ giấy phép xây dựng dự án, bán căn hộ đều căn cứ theo Luật kinh doanh bất động sản. Khi có hồ sơ hoàn công cuối cùng sẽ được cấp giấy chứng nhận, miễn sao quản trị, quản lý condotel không phá vỡ theo quy hoạch đã được duyệt”, ông Phấn nói.

Cũng theo vị Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, để thực hiện cơ quan có thẩm quyền sẽ phải rà soát lại, đủ điều kiện hay không đủ điều kiện. Nếu không đủ thì rà soát quy hoạch xem có điều chỉnh quy hoạch được hay không, và việc thu bổ sung nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư như thế nào… “Những vấn đề này cần được xem xét với từng dự án cụ thể để có phương án xử lý phù hợp” – ông Phấn nhấn mạnh.

Condotel chất đống chờ thoát hàng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, condotel là loại hình bất động sản mới, được phát triển nhanh ở Việt Nam từ năm 2015, cao trào năm 2016, 2017. Tuy nhiên, từ năm 2018, 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có xu hướng chững lại.

Số dự án condotel được thẩm định mới dự kiến trong năm 2019 giảm 80% so với cao điểm. Cả năm 2019, số lượng bất động sản nghỉ dưỡng (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch) có khoảng 6.280 giao dịch (giảm 20% so với năm 2018).

Với tín hiệu mới trong việc cấp sổ đỏ cho condotel nhiều ý kiến đặt ra liệu có thể “cứu” được thị trường đang thoái trào?

Dưới góc độ nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân phân tích, khi mua condotel vấn đề khách hàng quan tâm là có được cấp giấy chủ quyền hay không, thời hạn cấp trong bao lâu và có được sang nhượng không?

“Để trả lời những câu hỏi này thì phải có luật. Hiện các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng đang chịu sự điều chỉnh của 3 bộ luật, đó là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Du lịch. Tuy nhiên các luật này đang chồng chéo nhau, sự nhập nhằng pháp lý đang khiến condotel chết mòn”, TS. Lê Bá Chí Nhân nói. 

Theo ông Nhân, việc cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho condotel là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Tổng Giám đốc BHS Group cho rằng, việc cấp “sổ đỏ” cho condotel không phải đóng vai trò quyết định tồn vong của dự án bất động sản nhưng là cần thiết và là việc trước sau gì cũng phải làm.

Theo ông Tuyển, sự tồn vong của condotel hoàn toàn phụ thuộc vào người "cha đẻ" chính là các chủ đầu tư chứ không phải người cấp “giấy khai sinh”.

Đặc biệt sau cú sốc siêu dự án Cocobay “vỡ trận” khi Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) chủ dự án Cocobay Đà Nẵng tuyên bố chấm dứt việc chi trả thu nhập cam kết với các khách hàng tại dự án vì khó khăn tài chính thì câu chuyện về cam kết lợi nhuận càng được nhà đầu tư quan tâm, không ít khách hàng trùn tay rót tiền vào condotel thời điểm này.

Thêm vào đó, đi cùng với lượng giao dịch giảm, giá condotel cũng đi xuống. Theo số liệu của một trang web chuyện về bất động sản, năm 2018, giá trung bình một căn hộ du lịch (condotel) là gần 40 triệu đồng/m2 nhưng đến năm 2019 chỉ còn khoảng 35 triệu đồng/m2, giảm 8%.

Cũng phải nói thêm rằng, theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), chỉ tính riêng Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Hạ Long, trong giai đoạn 2015 - 2018 đã có khoảng 30.000 sản phẩm condotel được tung ra thị trường.

Tuy nhiên, từ qúy III/2018, lượng giao dịch condotel bắt đầu giảm mạnh. Sang đến năm 2019, cơn thoái trào condotel vẫn tiếp diễn. Thống kê của VARs cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn cung condotel trên cả nước đạt 11.855 căn, tuy nhiên lượng giao dịch chỉ đạt khoảng 2.967 căn.

Tính đến nay, con số tồn đọng của condotel lên tới hàng vạn căn. Để giải bài toán thoát hàng cho condotel, ông Tuyển cho rằng, đã đến thời điểm các chủ đầu tư nên trả condotel về với giá trị thực của nó, đừng tăng giá, đừng cam kết lợi nhuận gì nữa. “Hãy tập trung vào khai thác quần thể nghỉ dưỡng của mình thật hiệu quả, qua đó gia tăng lợi nhuận cho khách hàng", ông Tuyển nhấn mạnh.

Phương Anh Linh – Nhật Minh

Condotel không được cấp sổ đỏ lâu dài

Condotel không được cấp sổ đỏ lâu dài

 - Đối với loại hình BĐS mới như căn hộ du du lịch hay biệt thự du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét