Nhiều người đua nhau làm "cò" đất dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, giành khách, kê giá, bán lụi, thậm chí lừa đảo.
Năm 2020, khi thị trường bất động sản TPHCM gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và các vấn đề pháp lý khác, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp đã đổ về các địa phương để săn đất, tìm cơ hội đầu tư.
Nắm bắt cơ hội, nhiều người dân địa phương dù không hiểu biết nhiều về bất động sản bỗng nhiên trở thành "cò", bỏ túi hàng tỉ đồng sau những thương vụ môi giới đất.
Xây nhà, mua xe nhờ "cò"
Ở khu vực TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), giới kinh doanh nhà đất hầu hết đều biết Thủy, một phụ nữ nhanh nhẹn. Trước đây, phụ chồng bán đồ gỗ trang trí nhưng gần 1 năm nay, Thủy chuyển sang làm "cò" đất và rất đắt khách, mỗi tháng giao dịch cả tỉ đồng.
Mới tháng trước, Thủy môi giới bán được quả đồi 13,5 ha ở huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) với giá 25 tỉ đồng nên trích 400 triệu đồng trong số tiền hoa hồng để mua chiếc ô tô nhằm tiện việc chở khách đi xem đất.
"Hoa hồng cả năm thì em không nhớ là bao nhiêu nhưng công việc này cho em thu nhập khá hơn rất nhiều so với trước và cũng không phải phụ thuộc vào ai. Cứ khách kêu là em có mặt dẫn đi" - Thủy bộc bạch.
|
Làn sóng nhà đầu tư đổ xô về vùng nông thôn tìm mua đất làm xuất hiện nhiều "cò" đất làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo |
Thủy cho biết mình làm "được" hơn những cò khác là nhờ biết tìm đúng chủ đất, sổ sách đàng hoàng và bán đúng giá chủ đưa ra, chứ không "kê". Khi tìm được khách thì để chủ và khách tự thương lượng với nhau, Thủy chỉ ăn hoa hồng. Sau đó, chị hỗ trợ khách làm thủ tục sang tên, công chứng. Nhờ làm ăn uy tín nên nhiều người mua đất xong đã chủ động ký gửi để Thủy bán lại, nên một mảnh đất có khi Thủy ăn hoa hồng 2-3 lần trong một tháng là chuyện bình thường.
Trong khi đó, anh Dũng - nhà ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - trong một lần ngồi cà phê với nhóm bạn, thấy mấy người khách đang tìm mua đất gần hồ, gần suối để làm nhà vườn nên chợt nhớ người bà con đang muốn bán miếng đất gần sông thuộc xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dũng mạnh dạn đến bắt chuyện và giới thiệu về mảnh đất của người quen.
Lần đó, Dũng may mắn môi giới thành công mảnh đất 4 sào (4.000 m2) với giá 3,2 tỉ đồng và được chủ đất cho hoa hồng 2%, khoảng hơn 60 triệu đồng, anh mừng rơi nước mắt. Khởi đầu khá suôn sẻ, Dũng chuyển hẳn sang làm môi giới đất vườn, đất nông nghiệp. Nhờ chịu khó săn tìm đất và làm ăn uy tín, không kê giá, năm 2020 Dũng môi giới thành công hơn 13 mảnh đất vườn, hoa hồng thu được gần 500 triệu đồng.
Tương tự, chị Mỹ Thiên (tỉnh Đắk Nông) 2 năm trước nghỉ làm giáo viên ở TPHCM để về quê lập gia đình. Sau khi sinh con, chị mở quán nước ven đường để kiếm thêm thu nhập và tiện việc trông con nhỏ. Đầu năm nay, khu vực xung quanh nhà chị bỗng nhiên sốt đất hồ, đất suối, mỗi ngày có hàng chục người đi ô tô ghé quán chị bàn chuyện mua bán đất đai. Thấy việc mua bán đất kiếm được nhiều tiền, Mỹ Thiên chủ động hỏi nhu cầu của khách rồi kết nối với những người dân trong khu vực có nhu cầu bán đất nhưng không biết rao bán thế nào.
"Từ đầu năm đến nay, em đã môi giới thành công hơn 20 miếng đất. Số tiền kiếm được trên 500 triệu đồng, em đã xây lại nhà, rồi mua xe máy mới để tiện việc đi lại. Em nghĩ mình may mắn chứ thực tế không có chuyên môn gì cả" - Mỹ Thiên chia sẻ.
Đủ chiêu kê giá, bán lụi
Khi thấy một số người phất lên nhờ làm "cò" đất, nhiều người khác cũng đua nhau làm cò dù không có kiến thức hay kinh nghiệm môi giới bất động sản, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, giành khách, kê giá, bán lụi, thậm chí lừa đảo. Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản có kinh nghiệm bán đất nền cho biết có nhiều trường hợp giao dịch xong một mảnh đất thì cả người mua và người bán đều thiệt hại khi biết được "cò" kê giá quá cao, lại còn ăn hoa hồng 2 "đầu".
Ông Trần Thanh Hải (nhà ở quận Gò Vấp, TP HCM) kể mấy tháng trước, ông có mua một mảnh đất mặt tiền đường nhưng giáp bờ suối thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai với giá 2,1 tỉ đồng. Khi làm thủ tục công chứng và giao tiền mới biết "cò" ép giá chủ đất giảm từ 2 tỉ đồng còn 1,8 tỉ đồng với lý do đại dịch khó khăn. Như vậy, tiền chênh lệch cò được hưởng lên tới 300 triệu đồng, chưa tính tiền hoa hồng.
Trường hợp của "cò" Trinh ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk thì lại khác. Dù biết đất không có giấy tờ nhưng Trinh vẫn thường xuyên đưa các thông tin như đất cạnh hồ, vị trí đẹp, giá rẻ... để câu khách. Nhiều khách ở xa, khi xem đất thấy vừa ý nên đồng ý mua mới biết đó là đất rừng, không ai chứng nhận dẫn tới tiền mất tật mang, khiếu kiện nhưng không ai giải quyết.
May mắn hơn, anh Kiên và nhóm bạn ở TPHCM vừa tránh được bẫy của một nhóm "cò" khi nhóm này rao bán một mảnh đất ốc đảo rộng 5 ha ở khu vực hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) với giá 10 tỉ đồng, bao ra sổ. Theo lời giới thiệu, khi mua, chỉ cần đưa cọc 1 tỉ đồng để làm sổ. Khi ra sổ xong sẽ trả số tiền còn lại. Tuy nhiên, trước khi đặt cọc, anh Kiên đã tham khảo ở trên huyện, tỉnh mới biết đất này không thể làm được giấy tờ vì thuộc sự quản lý của khu bảo tồn.
Nên đưa vào quản lý để quy trách nhiệm Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, không phủ nhận vai trò của những người làm môi giới tự do vì phần đông trong số họ có nhiều kinh nghiệm và am hiểu tình hình thị trường địa phương. Tuy nhiên, cũng vì làm tự do nên họ không chịu sự quản lý của ai, dễ phát sinh tiêu cực. Như khu vực nào đó có thông tin quy hoạch, mở rộng, môi giới tự do hay phối hợp nhau đẩy giá, làm nhiễu thông tin ở những khu vực này, làm người mua dễ rơi vào ma trận. Về mặt nghiệp vụ, những môi giới tự do hầu hết không được trang bị kiến thức bài bản, cũng như kỹ năng hoạt động nghề. Đặc biệt, họ không hiểu luật, các nội dung liên quan quy hoạch hay thủ tục pháp lý cần có. Vì vậy, bản thân người mua phải hết sức thận trọng, đừng tin tưởng lời nói suông của "cò" mà phải trang bị kiến thức giao dịch nhà đất cơ bản, những pháp lý cần có để phòng tránh rủi ro. "Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng cần đưa vào luật, quy định bất cứ người làm môi giới nào cũng cần có chứng chỉ hành nghề. Khi đến phòng công chứng, phải đưa mã số ra khi giao dịch. Có như vậy, những người làm "cò" sẽ có trách nhiệm với sản phẩm mình đã môi giới. Quan trọng hơn là họ có nguồn thu thì phải đóng thuế cho nhà nước" - ông Lâm nhấn mạnh. |
Theo Người Lao động
Muôn kiểu giăng bẫy cam kết lợi nhuận, 'dụ' nhà đầu tư xuống tiền mua đất
Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp địa ốc đưa ra cam kết thu mua lại bất động sản với mức lợi nhuận 12%/năm chỉ là chiêu trò mê hoặc lòng tham nhà đầu tư.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét