Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến đất đai, tài chính tại Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), kiến nghị nộp bổ sung gần 200 tỷ đồng, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan…
Nợ tiền thuê đất chục năm
KTNN vừa có Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các htại động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, UPCOM: HAN)
Theo báo cáo, dù được Nhà nước giao quản lý, sử dụng quỹ đất hàng trăm hecta đất nhưng tổng công ty này đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm.
Được giao đất thực hiện dự án khu biệt thự thuộc khu Đoàn ngoại giao, quận Tây Hồ, TP Hà Nội từ năm 2008, nhưng đến nay Hancorp vẫn chưa nộp tiền thuê đất các lô CC2, CC3, CC4, CC5, CC5A, từ lô QT1 đến QT6, lô P1, P2.
Tại dự án Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Hancorp đã ký hợp đồng với các chủ đầu tư thứ cấp chuyển nhượng các lô đất, làm chủ đầu tư các dự án thành phần nhưng chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt |
Tại dự án khu đô thị mới Quế Võ, Bắc Ninh, Công ty Tây Hồ (công ty con Hancorp) cũng chưa thực hiện nghĩa vụ tiền sử dụng đất đối với 9,9ha đất nhiều năm qua.
Công ty mẹ Hancorp hợp tác kinh doanh trên lô đất 5.000m2, quận Hà Đông, TP Hà Nội từ năm 2001 nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, tại dự án tổ hợp nhà ở đa năng Làng quốc tế Thăng Long, công ty mẹ Hancorp dù hoàn thành dự án cả chục năm nhưng chưa bàn giao khu thể dục, thể thao 6.102,3m2 và khu nhà trẻ diện tích 408,2m2 cho UBND TP Hà Nội quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty Xây dựng số 1 (trực thuộc Hancorp) tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 2 tầng kỹ thuật thành tầng kinh doanh thương mại sai thiết kế, quy hoạch, buộc phải nộp bổ sung tiền sử dụng đất 10,8 tỷ đồng.
Kiểm toán việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại 3 dự án xây dựng nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc khu đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư, KTNN cũng phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý chí phí đầu tư xây dựng.
KTNN kết luận trong quá trình thực hiện 3 dự án, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án và đơn vị liên quan cơ bản tuân thủ các quy định. Tuy nhiên, còn tồn tại một số sai phạm như lập tổng mức đầu tư dự án sai làm tăng vốn đầu tư, thiếu hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ quản lý chất lượng công trình, bảng chấm công, chứng từ chi trả lương...
Qua kiểm toán đã phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư các dự án hơn 61 tỷ đồng, trong đó tính sai khối lượng 10,5 tỷ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỷ đồng, sai khác gần 48 tỷ đồng.
Chậm nộp cổ tức cho nhà nước; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm
Báo cáo của KTNN cũng chỉ ra, năm 2019, Hancorp hoạt động kinh doanh có lãi (lãi chủ yếu từ kinh doanh bất động sản) nhưng chưa đạt kế hoạch và thấp hơn năm 2018. Dù làm ăn có lãi nhưng 2 năm qua, Hancorp chậm nộp cổ tức cho nhà nước. KTNN kiến nghị yêu cầu Hancorp nộp hơn 167 tỷ đồng tiền cổ tức trong 2 năm 2018 và 2019 vào ngân sách.
Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương chuyển 2 tầng kỹ thuật sang làm thương mại |
Sau khi kiểm toán tại Hancorp và 5 công ty con, KTNN kiến nghị Công ty mẹ Hancorp phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước 25,8 tỷ đồng. Trong đó, nộp bổ sung thuế GTGT 1,8 tỷ đồng; thuế TNCN khoảng 6,5 triệu đồng; thuế TNDN 15 tỷ đồng; và các khoản phải nộp khác 8,9 tỷ đồng…
KTNN kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành làm việc với đơn vị này để nhận bàn giao khu đất 5.000 m2 tại xã kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội; chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý việc thu hồi và giao diện tích khu đất CC1 tại Dự án khu Đoàn Ngoại giao cho Công an TP Hà Nội xây dựng trụ sở công an phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng kiến nghị yêu cầu Hancorp thực hiện nhiều biện pháp khắc phục những sai sót, hạn chế như mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn để chuyển tiền bảo trì cho người mua, thuê mua căn hộ theo quy định.
Thông qua Người đại diện vốn nhà nước tại Công ty mẹ và Người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các công ty con rà soát, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các khoản nợ phải thu quá hạn và khó đòi để xử lý dứt điểm và tổ chức việc kiểm điểm trách nhiệm (công ty mẹ, Công ty Xây dựng số 1, Công ty Tây Hồ); giám sát chặt việc sử dụng vốn đầu tư chưa hiệu quả của công ty mẹ tại các doanh nghiệp có vốn góp...
Huỷ phiên đấu giá cổ phần Hancorp
Trước đó, Bộ Xây dựng lên kế hoạch đấu giá 139,4 triệu cổ phiếu HAN tương đương 98,83% vốn đang sở hữu tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) trên HNX vào ngày 16/12. Giá khởi điểm được xác định là 19.930 đồng/cổ phiếu. Nếu thoái vốn thành công, Bộ Xây dựng dự thu về 1.375,3 tỷ đồng.
Phiên đấu giá 139 triệu cổ phiếu của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 16/12 đã bị hủy vì không có nhà đầu tư đăng ký tham gia |
Tuy nhiên, mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã thông báo hủy phiên đấu giá bán cổ phần của Hancorp dự kiến tổ chức ngày hôm nay (16/12). Nguyên nhân do đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15h30 ngày 9/12) không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.
Đáng chú ý, đây không phải là đầu tiên, nhà đầu tư "thờ ơ" với cổ phiếu của doanh nghiệp xây dựng này. Trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) Bộ Xây dựng đã đưa 49,74 triệu cổ phần Hancorp ra đấu giá với giá khởi điểm 10.200 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phiên IPO thất bại nặng nề khi 203 nhà đầu tư tham gia đấu giá nhưng khối lượng đặt mua chỉ là 1.575.700 cổ phần, thu về hơn 16 tỷ đồng.
Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) được thành lập năm 1982 theo quyết định số 324/BXD-TCCB của Bộ Xây dựng. Với bề dày 55 năm, Hancorp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, xây lắp các công trình công cộng, văn hóa, dân dụng và công nghiệp,… Năm 2014, Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) tổ chức thành công đại hội cổ đông lần thứ nhất, chính thức chuyển đổi hình thức sang công ty cổ phần. Cổ phiếu HAN lên sàn UPCoM vào năm 2016 với giá tham chiếu là 12.500 đồng/cổ phiếu. Về tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2020, doanh thu của Hancorp giảm 8% so với cùng kỳ, xuống còn 831 tỷ đồng và lãi sau thuế cũng giảm 49%, ghi nhận hơn 2 tỷ đồng. Theo Hancorp, nguyên nhân là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 dẫn đến kết quả kinh doanh của một số công ty con bị ảnh hưởng đáng kể. |
Hồng Khanh
‘Bát nháo’ chuyển nhượng dự án khu Đoàn ngoại giao, dân mòn mỏi chờ sổ đỏ
- Theo UBND TP Hà Nội, dự án khu Đoàn ngoại giao của Hancorp và một số dự án của HUD làm chủ đầu tư có việc chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thứ cấp nhưng chưa hoàn thiện thủ tục…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét