Ban chỉ đạo giúp UBND TP lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, trình Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 130.
UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định kiện tòa Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông là Trưởng ban. Ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường là Phó Ban thường trực.
Tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị ở Hà Nội còn ì ạch |
Ban chỉ đạo còn có 7 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành như: Sở Xây dựng, Sở Công thương, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội...; các thành viên là Chủ tịch 12 quận nơi có cơ sở di dời và đại diện lãnh đạo các đơn vị có dự án di dời.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp UBND TP lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra khỏi khu vực nội thành, trình Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 130.
Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện Quyết định 130 của Thủ tướng về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành; đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện di dời.
Trước đó, năm 2015, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện di dời các nhà máy diễn ra ì ạch.
Mới đây, trả lời cử tri về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, đang chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp cùng các Sở ban ngành và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, tổng hợp, báo cáo danh mục di dời cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch xây dựng ra khỏi khu vực nội thành.
Đồng thời, bổ sung báo cáo các Bộ, ngành thi hành Luật Thủ đô giải quyết các kiến nghị tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội sẽ đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo đề xuất Thủ tướng điều chỉnh bổ sung thẩm quyền phê duyệt danh mục cơ sở nhà, đất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị cũng như thống nhất tiêu chí cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị; và bổ sung cơ chế chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Sau khi xác định rõ tiêu chí, thẩm quyền và kết quả rà soát lại danh mục để đảm bảo đúng đối tượng thì UBND sẽ trình HĐND TP xin ý kiến thống nhất trước khi phê duyệt danh mục di dời các cơ sở không phù hợp với quy hoạch.
UBND TP Hà Nội cũng sẽ báo cáo Bộ Tài Chính đề xuất Thủ tướng ban hành cơ chế di dời trong đó có nội dung chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch và liên doanh liên kết để thực hiện dự án tại nơi di dời... nhằm tạo cơ chế phù hợp cho các cơ sở di dời thực hiện.
Vừa qua, trả lời kiến nghị của cử tri TP Hà Nội gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV về việc di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, trường đại học, bệnh viện từ khu vực nội thành ra ngoài ngoại thành để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận việc tổ chức triển khai từ khâu lập quy hoạch, đề án di dời cho đến tổ chức thực hiện còn chậm.
Theo Bộ này có nhiều nguyên nhân như: Có sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời; quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện trong khi công tác di dời đỏi hòi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn; sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao…
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh trong vùng Thủ đô trong quá trình thực hiện; tạo sự liên kết không gian vùng, chia sẻ chức năng giữa các đô thị trong vùng, tạo động lực, sức hấp dẫn cho các đô thị vệ tinh, khai thác tiềm năng đô thị trung tâm nhằm giảm áp lực gia tăng dân số cơ học vào đô thị lớn…
Ngày 23/01/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Theo đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trong danh mục cần phải di dời ra ngoài nội thành với lộ trình và biện pháp di dời cụ thể được xác định phù hợp với điều kiện, địa điểm cụ thể và đặc điểm của từng cơ sở cần phải di dời, đảm bảo tính khả thi; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì thực hiện lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, Bộ Y tế chủ trì thực hiện đối với các cơ sở y tế cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Thuận Phong
Trăm nhà máy ô nhiễm trong lòng thành phố, Hà Nội quyết di dời trong năm nay
- Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời các cơ sở công nghiệp, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời…và xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời tổng số 117 cơ sở.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét