Theo Bộ Xây dựng, về việc cho phép Hải Phòng hình thành một số quận mới và TP Thủy Nguyên - Trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm (như TP Thủ Đức, TP.HCM) theo kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng là phù hợp quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng liên quan đến nội dung về quy hoạch thành phố.
Theo đó, cử tri đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho phép Hải Phòng hình thành một số quận mới và TP Thủy Nguyên - Trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm như TP Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.
Một góc Thủy Nguyên - Hải Phòng (Ảnh: Cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng) |
Về kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cho biết, lập Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 1412/QĐ-TTg ngày 15/9/2020; Bộ Kế hoạch đầu tư là cơ quan thường trực hội đồng thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
Thời gian lập quy hoạch là không quá 24 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
Còn đối với điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch tại Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15/5/2018.
UBND TP Hải Phòng đã có Tờ trình (Văn bản số 154/TTr-UBND ngày 21/10/2020), Bộ Xây dựng đang tổ chức thẩm định, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt theo quy định.
Liên quan đến nội dung cho phép Hải Phòng hình thành một số quận mới và TP Thủy Nguyên - Trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm, Bộ Xây dựng cho biết việc đề xuất thành lập thành phố trực thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương theo kiến nghị của cử tri TP Hải Phòng là phù hợp quy định của pháp luật.
Các tiêu chuẩn thành lập Thành phố được quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 1211/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
"Theo đó, UBND thành phố Hải Phòng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan lập Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã tại TP Hải Phòng theo quy định của Nghị quyết số 37-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã và Nghị quyết số 1211/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính", Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị cử tri Hải Phòng.
Trước đó, tại kỳ họp hồi tháng 7/2020 của HĐND TP Hải Phòng đã xác định xây dựng Thủy Nguyên theo mô hình thành phố trực thuộc thành phố. Huyện này hiện là đơn vị hành chính nông thôn, trong khi mô hình quản lý chính quyền nông thôn không còn phù hợp và không đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Do vậy, lãnh đạo Hải Phòng cho rằng việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại huyện Thủy Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết.
Mới đây, vào cuối tháng 11, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc TP Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân TP Hải Phòng chỉ đạo việc xây dựng Đề án đúng theo quy định, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố theo Nghị quyết 45-NQ/TW, ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngày 9/12 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM với tỷ lệ đồng ý 100%. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021. TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức rộng trên 211 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn một triệu người; nằm giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương. Mô hình chính quyền địa phương ở TP Thủ Đức có cả HĐND và UBND thành phố; tuy nhiên các phường thuộc Thủ Đức sẽ không tổ chức HĐND. |
Thủ tướng yêu cầu Vĩnh Phúc báo cáo việc xây sai phép tràn lan ở Tam Đảo
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo việc báo chí phản ánh về hàng trăm công trình, dự án… xây không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét