Thứ Ba, 23 tháng 11, 2021

Năm 2022 Bộ Xây dựng thanh tra diện rộng phí bảo trì chung cư đất nhà xã hội

Trong năm 2022, Bộ Xây dựng thanh tra chuyên để diện rộng về quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì chung cư và việc thực hiện dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) tại 11 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký ban hành Quyết định kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ.

Theo đó, đối với việc thanh tra chuyên ngành sẽ thực hiện thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các tỉnh, thành phố.

{keywords}
Năm 2022, Bộ Xây dựng tiếp tục thanh tra vấn đề kinh phí bảo trì chung cư trên diện rộng tại 11 tỉnh, thành phố

Cụ thể, trong năm 2022, Bộ Xây dựng thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án Thăng Long Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP.

Thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành Xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch; hoạt động đầu tư xây dựng; hoạt động kinh doanh bất động sản tại UBND 3 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang.

Theo kế hoạch, Bộ Xây dựng sẽ thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng đối với  11 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó thanh tra về thực hiện việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị ở 11 tỉnh, thành trên.

Bộ trưởng Xây dựng giao Chánh thanh tra Bộ tổ chức triển khai, đôn đốc việc thực hiện theo kế hoạch thanh tra, định kỳ báo cáo Bộ trưởng theo quy định. 

Liên quan đến vấn đề phí bảo trì chung cư, trong năm 2021 lần đầu tiên Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện việc thanh tra tại nhiều dự án ở Hà Nội và TP.HCM. Sau quá trình thanh tra, 18 kết luận được ban hành đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng.

Buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng).

Như tại chung cư Riveside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc) đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định. Thời điểm thanh tra tháng 1/2020, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn. Đến tháng 12/2020, chủ đầu tư còn “om” hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 275 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn VIDEC quyết toán, bàn giao nốt 13,2 tỷ đồng quỹ bảo trì cho BQT nhà chung cư.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, để xử lý hàng loạt vi phạm của Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô - chủ đầu tư 2 dự án CT2-105 khu đô thị Văn Khê mở rộng (tên thương mại HPC Landmark) và dự án Hanoi Homeland, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan…

Sau khi kết luận được công bố nhiều điểm nóng về quỹ bảo trì ở các chung cư đã giải quyết được những bức xúc đã tồn tại, kéo dài suốt nhiều năm qua.

Trao đổi với PV VietNamNet, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, 2 chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư và việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở đặc biệt là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là điểm nhấn trong kế hoạch thanh tra năm 2022. Thanh tra Bộ sẽ thực hiện và hướng dẫn thanh tra các Sở Xây dựng thực hiện để đánh giá tổng quát nhất báo cáo Bộ trưởng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cơ chế chính sách cần thiết.

Hồng Khanh

‘Om’ nghìn tỷ bảo trì chung cư, công an vào cuộc khi có dấu hiệu hình sự

‘Om’ nghìn tỷ bảo trì chung cư, công an vào cuộc khi có dấu hiệu hình sự

Theo Chỉ thị số 02/CT-BXD Bộ Xây dựng vừa ban hành, Bộ đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp cơ quan công an xử lý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự trong quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì.             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét