Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2021

Nhà đất vọt giá nửa tỷ trong vài tháng người mua méo mặt xuống tiền

Đầu năm 2021, chị Hạnh chần chừ mua nhà một phần vì chưa đủ tiền, một phần vì muốn chờ giá nhà đất giảm thêm. Nhưng không ngờ, bất chấp dịch bệnh, giá nhà đất vẫn tăng thậm chí có căn báo giá tăng 500 triệu chỉ sau vài tháng.

Vợ chồng chị Minh Hạnh cùng quê ở Hưng Yên, lên Hà Nội buôn bán đã được 5 năm nay. Công việc buôn bán thu nhập tạm ổn nên chị Hạnh cũng tính đến chuyện mua nhà Hà Nội. Khu vực mà chị muốn mua là quận Long Biên vì giá nhà ở đây không quá đắt đỏ như các quận nội thành, đường xá khá thông thoáng, lại tiện đường về quê.

Đầu năm 2021, một người chị họ của chị Hạnh rủ mua nhà ở khu vực phường Bồ Đề, quận Long Biên. Lúc đó, nhà riêng trong ngõ diện tích khoảng 30 – 33m2 giá dao động từ 2,2 – 2,7 tỷ đồng tùy thuộc vị trí, độ mới cũ của nhà. Vợ chồng người chị họ của chị Hạnh đã xuống tiền mua một căn nhà 30m2, 4 tầng trong một con ngõ ở phố Bồ Đề với giá 2,2 tỷ đồng. Biết chị Hạnh cũng muốn mua nhà khu vực Long Biên nên chị này rủ về làm hàng xóm.

{keywords}
Giá nhà đất vẫn tăng bất chấp dịch bệnh 

Thời điểm ấy, chị Hạnh có khoản tiền tích lũy 1,5 tỷ đồng. Dù cũng muốn sớm có một căn nhà của riêng mình song chị Hạnh vẫn chần chừ vì dốc hết tiền vào nhà cửa, việc xoay vòng vốn làm ăn bị ảnh hưởng, chưa kể vẫn phải vay mượn thêm một khoản tiền lớn. Bố mẹ chồng chị Hạnh lúc đó cũng đang rao bán miếng đất ở quê. Ông bà hứa bán được đất sẽ cho vợ chồng chị một món tiền để mua nhà Hà Nội, nên chị cũng muốn đợi để đỡ được một khoản vay. Một lý do quan trọng khác là chị Hạnh nhận định trải qua 1 năm dịch bệnh, thị trường nhà đất sẽ “hạ nhiệt”, đợi thêm một thời gian sẽ mua được giá tốt hơn.

Đến đầu tháng 8, bố mẹ chồng chị điện lên thông báo đã bán được mảnh đất ở quê và sẽ cho vợ chồng chị 300 triệu để mua nhà Hà Nội. Thời điểm này, Hà Nội đang giãn cách xã hội nên dù sẵn tiền trong tay, vợ chồng chị vẫn chưa thể trực tiếp đi xem nhà đất.

Đến tháng 9, khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng, chị Hạnh mới thực sự lao vào công cuộc tìm nhà. Lúc này, chị ngỡ ngàng bởi bất chất đợt dịch thứ 4 vô cùng căng thẳng, giá nhà không giảm mà còn tăng.

{keywords}
Xu hướng giá bán bất động sản tăng khiến giấc mơ an cư của nhiều người dân ngày càng xa vời

“Ròng rã suốt hơn 1 tháng trời, tôi không tìm được căn nhà nào chung khu vực, diện tích khoảng 30m2 mà có giá “dễ chịu” như căn nhà đợt trước chị họ tôi mua. Tôi mở rộng địa bàn tìm kiếm sang cả phường Ngọc Lâm nhưng vẫn không ăn thua, giá nhà ở đây thậm chí còn cao hơn. Môi giới dẫn tôi đi xem một căn ở phố Ngọc Lâm, sổ đỏ 26m2, 5 tầng chào bán tới 2,8 tỷ; một căn khác 22m2, 5 tầng, chào bán 2,3 tỷ”, chị Hạnh kể.

Chị Hạnh nhớ nhất là cuối tháng 10 vừa qua, môi giới gọi cho chị hỏi có muốn mua căn đang xây dựng dở không. Căn này ở đường Tư Đình, phường Long Biên, chủ đang xây 3 căn liền kề để bán, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Mỗi căn rộng 35m2, ngõ kinh doanh được, giá chỉ 2,7 tỷ đồng. Hôm sau, chị Hạnh hào hứng đi xem căn nhà trên và rất ưng ý. Thế nhưng, tối đó, chị lập tức chưng hửng bởi môi giới gọi báo rằng chủ đầu tư bảo giá bây giờ là 3,2 tỷ đồng, giá 2,7 tỷ là trước đây mấy tháng – thời điểm giá nhà đất và vật liệu xây dựng đều chưa tăng “chóng mặt” như hiện nay.

Sau quá nhiều mệt mỏi về chuyện tìm nhà, mới đây, chị Hạnh đã chốt một căn nhà 33m2 với giá 2,9 tỷ trong một con ngõ ở phố Lâm Du, phường Bồ Đề - cách nhà chị họ chừng 1km. “Căn nhà này có lợi thế là vuông vắn, 2 mặt thoáng. Nhà khá cũ nên tôi mua về cũng sẽ phải sửa sang lại. Dù sao, về vị trí, giá cả, nó vẫn tốt nhất so với những căn tôi được dẫn đi xem”, chị Hạnh chia sẻ.

Hiện chị Hạnh đã đặt cọc tiền và đang đợi đến ngày để ký hợp đồng công chứng, sang tên sổ đỏ. Chị bày tỏ nỗi tiếc nuối: “Người ta bảo chậm mà chắc, nhưng như tình cảnh của tôi thì đúng là “trâu chậm uống nước đục”. Chỉ chần chừ một thời gian, tôi đã để vụt qua giai đoạn giá tốt, giờ phải chấp nhận mua đắt vài trăm triệu. Không ngờ dưới tác động của dịch bệnh mà nhà đất vẫn tăng giá vèo vèo. Lần này tôi chốt mua nhanh luôn vì đọc các thông tin dự báo thời gian tới giá nhà đất còn có thể tăng”.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường quý III/2021 của một trang bất động sản, từ đầu tuần tháng 9, ngay khi được nới lỏng giãn cách, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản tại Hà Nội bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, đến cuối tháng đã phục hồi 50% so với thời điểm tháng 3/2021. Xu hướng giá bán bất động sản tại Hà Nội vẫn tiếp tục tăng đều trong 9 tháng vừa qua. Loại hình bất động sản có mức tăng cao nhất bao gồm nhà riêng (11-13%) và nhà mặt phố (7-17%). Trong đó, các quận ngoại thành có mức tăng giá cao nhất là Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông. 

Đánh giá về thị trường bất động sản quý III vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận … trong khi bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.

Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản từ nay đến hết năm 2021 sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá, vì nền kinh tế phía Nam vẫn đang gồng mình gánh chịu thiệt hại do dịch bệnh. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.

Thuỳ Minh

Bắt buộc mua bán nhà đất qua sàn: Lo ngại đội giá người mua lãnh đủ

Bắt buộc mua bán nhà đất qua sàn: Lo ngại đội giá người mua lãnh đủ

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc quy định “bắt buộc” giao dịch nhà ở, công trình xây dựng phải qua sàn giao dịch bất động sản sẽ làm tăng giá bán nhà gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét